Vietstock - Nhân dân tệ phục hồi mang tín hiệu tích cực đến nền kinh tế Trung Quốc
Chuyên gia cho rằng sự phục hồi của tỷ giá nhân dân tệ là biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi.
Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong tháng 11, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với USD có xu hướng phục hồi mạnh.
Điều này được cho là sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Trung Quốc và việc khôi phục niềm tin thị trường.
Số liệu của Trung tâm Giao dịch ngoại hối Trung Quốc cho thấy ngày 24/11, tỷ giá trung tâm của nhân dân tệ với USD ở mức 7,1151, tăng 61 điểm cơ bản so với ngày giao dịch trước đó, và là mức cao nhất kể từ ngày 10/6.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), giới chuyên gia tại khu hành chính đặc biệt này nhận định đây là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Thịnh Tùng Thành, cựu Cục trưởng Cục Khảo sát và Thống kê thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết việc tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng sẽ cải thiện kỳ vọng của thị trường và khôi phục niềm tin thị trường. Sự phục hồi của tỷ giá nhân dân tệ là biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi.
Trong khi đó, Phó giáo sư Lưu Xuân Sinh tại Học viện Kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc nhận định nhân dân tệ tăng giá là do một số yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào đầu tháng 11, khiến chỉ số USD giảm và do đó làm giảm áp lực lên đồng nhân dân tệ đang mất giá; số liệu kinh tế quý 3 của Trung Quốc vượt mong đợi và hàng loạt chỉ số kinh tế trong tháng 10 được cải thiện đáng kể; tín hiệu tích cực sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ ở San Francisco.
Ngoài ra, nhu cầu thị trường gia tăng và hoạt động đầu cơ trên thị trường ngoại hối cũng thúc đẩy đồng nhân dân tệ tăng giá.
Thời gian gần đây, trái phiếu quốc tế bằng đồng nhân dân tệ tiếp tục phát triển và hoạt động cho vay bằng nhân dân tệ ở nước ngoài đang gia tăng.
Theo truyền thông quốc tế, các công ty và ngân hàng toàn cầu đang huy động số lượng nhân dân tệ kỷ lục, điều này đã thúc đẩy đồng nhân dân tệ vượt qua đồng euro, nhanh chóng trở thành đồng tiền tài trợ thương mại lớn thứ hai toàn cầu.
Ngoài ra, tỷ trọng của nhân dân tệ trong giao dịch ngoại hối cũng không ngừng tăng lên.
Theo khảo sát năm 2022 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỷ trọng giao dịch ngoại hối bằng nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu đã tăng từ 4,3% lên 7% trong 3 năm qua./.
Mạc Luyện