Vua Musa Keita I, hay còn gọi là Mansa Musa, được nhận định là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, với khối tài sản khó có thể đo lường được. Quốc tếNgười giàu nhất lịch sử nhân loại: Một lần tiêu hết 12 tấn vàng, sở hữu tới 415 tỷ USDPhương Nhi • 04/10/2023 11:39Vua Musa Keita I, hay còn gọi là Mansa Musa, được nhận định là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, với khối tài sản khó có thể đo lường được.
Theo Time, Musa Keita I, vị vua cai trị đế chế Mali ở châu Phi thế kỷ thứ 14, là người giàu nhất mọi thời đại, với khối tài sản "nhiều hơn bất cứ ai có thể mô tả". Ông nắm trong tay nhiều vùng đất chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nổi bật nhất là vàng.
Musa Keita I lên nắm quyền năm 1312. Ông được gọi là Mansa, có nghĩa là vua. Vào thời gian này, nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh đói nghèo và chiến tranh, nhưng nhiều quốc gia châu Phi lại phát triển rực rỡ.
Trong cuộc đời của mình, vị vua này tích luỹ số của cải đến mức khó có thể tính chi tiết. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, khối tài sản của Mansa Musa có giá trị 415 tỷ USD.
Với sự giàu có đến vô nghĩa của mình, người đàn ông này đã ban phát vàng bạc cho tất cả những người nghèo đói khốn cùng mà ông ấy gặp. Tuy nhiên, lòng tốt ấy lại khiến thị trường vàng ở Ai Cập và cả Trung Đông tuột dốc không phanh suốt 12 năm.
Dù vậy, những thứ đem lại sự giàu có cho ông lại không phải của cải thu được từ những cuộc chinh phạt hay sáp nhập mà bản thân nguồn tài nguyên thiên nhiên được tìm thấy ở Mali.
Theo nhà nghiên cứu Kathleen Bickford Berzock, là một hoàng đế, Mansa Musa có khả năng tiếp cận gần như vô hạn tới những nguồn của cải giá trị cao nhất thế giới Trung cổ. Sự giàu có của Đế chế Mali có được là từ những mỏ vàng tự nhiên ở Tây Phi. Bên cạnh đó, họ còn có những mỏ đồng và một nguồn vỏ bò vô tận (từng được sử dụng làm tiền tệ trong nhiều thế kỷ ở Châu Phi).
Với nguồn tài nguyên vô hạn, vị vua này sở hữu trữ lượng vàng khổng lồ.
Theo các tài liệu mô tả Đế chế Mali bằng tiếng Ả Rập được viết vào thời điểm đó ghi chép lại cứ mỗi một thoi vàng mà người dân được trong miền đất của Mali, họ sẽ phải dâng lên nhà vua một nửa. Đây được coi là khoản “thuế” bắt buộc phải dâng lên nhà vua và Musa đã được cống nạp rất nhiều vàng".
Theo ước tính của Bảo tàng Anh, đế chế Mali dưới thời trị vì của Musa đã sở hữu gần một nửa trữ lượng vàng của Cựu thế giới (các vùng đất được người Châu Âu biết đến trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ năm 1492, bao gồm: Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và các hòn đảo bao quanh).
Trong suốt thời gian nắm quyền, Mansa Musa mở rộng khá nhiều lãnh thổ. Ông sáp nhập thành phố Timbuktu và tái thiết lập quyền lực ở Gao.Trải dài 3.200 km, đế chế Mali rộng bằng 9 quốc gia Châu Phi ngày nay cộng lại, bao gồm Senegal, Gambia, Guinea-Bissau, Cote d'Ivoire, Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania, và Chad.
Mali từng là một đế chế giàu có và thịnh vượng, một trung tâm thương mại và văn hóa có ảnh hưởng bao trùm lên cả khu vực Sahara và Tây Phi |
Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber ở Timbuktu được xây dựng vào năm 1327 sau chuyến hành hương của Musa đến Mecca. Hiện di tích này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Chuyến hành hương lịch sử
Năm 1324, cả thế giới biết đến khối tài sản khổng lồ của Mansa Musa khi ông thực hiện chuyến hành hương kéo dài hơn 6.400 km đến thánh địa Mecca. Theo Smith, Mansa Musa dẫn theo đoàn tùy tùng gồm hàng chục nghìn binh lính, thường dân và nô lệ, 500 sứ giả mặc áo lụa, một đoàn lạc đà, ngựa chở đầy vàng miếng
Hoàng đế Musa được cho là đã mang theo 60.000 tùy tùng, 12.000 nô lệ và mỗi người đi theo sẽ mang 4lb (tương đương 1.81kg) vàng khối. 80 con lạc đà có nhiệm vụ chở 50-300lb (tương đương 22-136kg) bụi vàng.
Ông ấy cũng đóng những đoàn tàu dài chỉ để chở gia súc, hàng hóa và tất nhiên cả một khối lượng của cải lớn với rất nhiều vàng.
Ibn Khaldun, một nhà sử học đã được kể lại rằng: "Mỗi lần dừng lại, Musa đều chiêu đãi đoàn tùy tùng bằng những loại thực phẩm và bánh kẹo quý hiếm - những vật phẩm vô cùng cùng xa xỉ vào thời đó”.
Các nhà sử học ước tính đoàn hành hương của Musa đã chi tiêu tổng cộng hết 12,3 tấn vàng dẫn đến sự mất giá trên khắp khu vực Trung Đông làm thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế ở đây thời kỳ đó.
Theo các bài viết của Al-Umari, vua Musa đã tiêu hết vàng ở Ai Cập, nhưng khi hết, ông tiếp tục vay của các thương gia Cairo để tiêu với lãi suất cực kỳ lớn. Điều mà được bảo đảm bằng trữ lượng vàng vẫn còn trong lòng đất ở quê nhà Mali.
Sau đó, Musa đã đưa về một vài học giả Hồi giáo trong đó có cả hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad, nhà thơ và kiến trúc sư Abu Es Haq es Saheli.
Theo một số thông tin cho biết nhà vua đã trả cho nhà thơ 200 kg vàng tương đương với 8,2 triệu USD ở thời điểm hiện tại để có được sự phục vụ của vị học giả này.
Mansa Musa qua đời năm 1337, sau khi cai trị đất nước 25 năm. Người kế vị ông là con trai, vua Maghan I. Nhiều di sản mà Mansa Musa để lại như lăng tẩm, thư viện, nhà thờ Hồi giáo là những bằng chứng cho thời kỳ vàng son của đế chế Mali dưới thời trị vì của vị vua huyền thoại.
Mansa Musa cho xây dựng nhà thờ Hồi giáo huyền thoại Djinguereber tại Timbuktu. Qua nhiều thế kỷ, công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay |