Vietstock - Ngành hàng không toàn cầu bước đầu hồi phục sau dịch COVID-19
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo sự phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc vào tốc độ dỡ bỏ hạn chế đi lại và chỉ đến năm 2023, hàng không mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.
Các sân bay ở Châu Á và Châu Âu dần đông đúc trở lại
|
Đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động hàng không trên toàn cầu bị đình trệ trong những tháng qua. Tuy nhiên, ngành hàng không châu Âu đang dần nối lại hoạt động, khi biên giới được mở cửa trở lại.
Các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc hay các quốc gia khác ở châu Á như Malaysia cũng đã được thực hiện. Dù vậy, ngành hàng không ở các khu vực khác như Mỹ Latinh, nơi dịch vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục đối mặt với bài toán sinh tồn.
Âu-Á bắt đầu hồi phục
Sau khi rơi vào tình trạng gần như đình trệ hoàn toàn vì các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, ngành hàng không châu Âu đang từng bước khôi phục hoạt động.
Hầu hết những hạn chế đi lại ở châu Âu đã được dỡ bỏ và bắt đầu từ ngày 1/7, công dân từ 15 quốc gia được phép vào châu Âu. Mỹ, Nga và Brazil, những nước mà dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh, không nằm trong danh sách này.
Theo Eurocontrol, cơ quan quản lý không lưu của châu Âu, tại châu lục này, trong tuần 15-21/6, trung bình 7.706 chuyến bay đã được thực hiện mỗi ngày, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các biện pháp phong tỏa đã khiến hoạt động vận tải bằng đường hàng không trong tháng Tư giảm 94,3%, tính theo số km mà hành khách đã đi.
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhận định các hãng hàng không châu Âu sẽ lỗ 21,5 tỷ USD trong năm nay, trong khi đạt lợi nhuận 6,5 tỷ USD trong năm ngoái. Cơ quan này cho rằng 6-7 triệu lao động liên quan đến ngành hàng không đang bị đe dọa. Các hãng hàng không và các doanh nghiệp khác trong ngành này bắt đầu cắt giảm việc làm.
Trong khi đó, các hãng hàng không quốc tế đang nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục khi nước này nới lỏng phong tỏa hàng không bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã nối lại các chuyến bay từ Frankfurt đến Thượng Hải theo lịch trình mỗi tuần một chuyến. Các chuyến bay Áo-Thụy Sỹ-Trung Quốc cũng dự kiến sẽ được nối lại trong thời gian tới.
Đầu tháng 6/2020, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế hàng không khi tình hình dịch bệnh ở nước này lắng dịu. Hiện nay, bất kỳ hãng hàng không quốc tế nào đủ điều kiện cũng có thể khai thác một chuyến bay chở khách hàng tuần đến Trung Quốc.
Cũng tại châu Á, Hãng hàng không quốc gia Malaysia (Malaysia Airlines) cho biết sẽ nối lại nhiều chuyến bay quốc tế trong tháng 7/2020. Malaysia Airlines cho hay, hãng đã tăng cường năng lực kết nối và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi đường bay quốc tế trong bối cảnh một số quốc gia ghi nhận kết quả tích cực trong việc đối phó với COVID-19 và có kế hoạch dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới.
Theo Malaysia Airlines, trong tháng Bảy, hãng sẽ nối lại các chuyến bay từ Kuala Lumpur đến một loạt quốc gia, bao gồm Bangladesh, Nepal, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore và Philippines.
Dự kiến, đến tháng 10, hãng sẽ khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế của mình.
Mỹ Latinh đối mặt với làn sóng phá sản
Phó Chủ tịch IATA phụ trách khu vực Mỹ Latinh, ông Peter Cerda, cho biết, sẽ không thể tiếp tục trì hoãn ngành vận tải hàng không đến sau tháng Bảy, đồng thời hối thúc việc lên kế hoạch nối lại các chuyến bay nội địa cũng như việc sớm khôi phục lại các chuyến bay quốc tế.
Ông nói nếu tiếp tục đà này sẽ có thêm nhiều hãng hàng không phải nộp đơn bảo hộ phá sản và nhiều hãng không có khả năng kích hoạt lại các chuyến bay, đồng nghĩa với việc phải đóng cửa.
Lãnh đạo IATA đặc biệt nhấn mạnh sự cấp bách trong việc nối lại hoạt động vận tải hàng không tại Argentina, Colombia, Peru và Panama, đồng thời đề nghị các chính phủ trong khu vực thực hiện các giao thức đảm bảo việc cho phép các hãng hàng không vận chuyển hành khách một cách an toàn.
Ông Cerda cũng kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn và ngay lập tức cho các hãng hàng không của mình trong bối cảnh họ đã vượt quá ngưỡng giới hạn thanh khoản từ 2-3 tháng.
Sau nhiều tuần thực thi các biện pháp cách ly cùng lệnh đóng cửa biên giới hàng không các nước để đối phó với đại dịch COVID-19, hai hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh là LATAM Airlines và Avianca Holdings đã buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án Mỹ, khiến Mỹ Latinh trở thành khu vực đầu tiên của thế giới có các hãng hàng không lớn bị phá sản do tác động của đại dịch.
Ngành hàng không Mỹ Latinh đang rơi vào khủng hoảng do các tác động của đại dịch COVID-19 và điều này có thể dẫn tới việc tái cơ cấu, suy yếu khả năng cạnh tranh và tăng giá vé của nhiều hãng hàng không trong khu vực để tìm cách tồn tại và vượt qua khó khăn hiện nay.
Hãng Gol Airlines của Brazil cũng đang tìm cách tái cơ cấu tài chính. Azul Airlines đã thuê các cố vấn để lên kế hoạch tái cơ cấu, trong khi Copa Holdings của Panama đã ngừng khai thác các chuyến bay kể từ cuối tháng 3/2020, khiến khả năng tài chính đang chịu áp lực rất lớn.
Andre Castellini, chuyên gia tư vấn hàng không tại Bain & Company, đánh giá đại dịch COVID-19 đã khiến cạnh tranh trở thành mối quan tâm thứ yếu và điều này thể hiện ở việc Azul Airlines và LATAM Airlines chia sẻ mã liên danh. Liên minh LATAM-Azul đem đến những suy đoán về tương lai của ngành hàng không ở Mỹ Latinh: Hội nhập sâu hơn hoặc thậm chí là sáp nhập.
Hơn cả sáp nhập, thỏa thuận thương mại chung đang thịnh hành. LATAM gần đây đã ký một thỏa thuận với Delta Air Lines Inc, trong khi Avianca, Copa và United đã công bố một hiệp định chung.
Các thỏa thuận cho phép một sự tích hợp sâu về đường bay mà không cần tất cả các chi phí. Và tất cả những nỗ lực này cho thấy các hãng hàng không sẽ ưu tiên sự sống còn hơn thị phần.
Đến năm 2023 ngành hàng không mới trở lại mức trước đại dịch
IATA cho rằng sự phục hồi của ngành hàng không châu Âu không chỉ phụ thuộc vào tốc độ dỡ bỏ những hạn chế mà còn phụ thuộc vào mức độ lo ngại về sức khỏe khiến người dân e ngại việc đi lại.
IATA nhận định sự phục hồi sẽ bắt đầu với hoạt động hàng không nội địa, sau đó là trên phạm vi lục địa, sau đó sẽ là các chuyến bay liên lục địa vào cuối năm. Theo IATA, chỉ đến năm 2023, lĩnh vực này mới trở lại mức trước đại dịch.
IATA dự báo cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại kỷ lục 84 tỷ USD, khi năm 2020 được ghi nhận là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Giữa lúc hoạt động đi lại bằng đường không đang dần phục hồi ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, các hãng hàng không đang bắt đầu đánh giá những thiệt hại sau nhiều tuần ngừng hoạt động, núi nợ ngày càng lớn và triển vọng nhu cầu ảm đạm.
Thậm chí tại nhiều thị trường, nơi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đã giảm mạnh, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với một loạt hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ hoàn toàn và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng.
IATA dự đoán lợi nhuận của ngành hàng không trong năm 2021 sẽ giảm thêm 15,8 tỷ USD, nâng tổng mức thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra lên khoảng 100 tỷ USD, trong bối cảnh sự phục hồi của hoạt động đi lại vẫn khá thấp so với mức trước khủng hoảng, và các hãng hàng không buộc phải giảm giá vé để kích cầu đi lại.
Theo IATA, lưu lượng đi lại bằng đường hàng không trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 55% so với mức đáng thất vọng của năm nay, song vẫn thấp hơn 29% so với mức của năm 2019.
IATA kêu gọi chính phủ các nước hạn chế các biện pháp cách ly, gây cản trở hoạt động đi lại, đồng thời cho rằng những biện pháp an toàn trên máy bay, bao gồm việc yêu cầu hành khách đeo khẩu trang là đủ./.
Lê Minh