Vietstock - Ngân hàng liên tiếp giải cứu, cuộc khủng hoảng niềm tin vẫn chưa chấm dứt
First Republic Bank (FRB), một ngân hàng khu vực ở Mỹ, được các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall bơm vào 30 tỉ đô la, ngằm ngăn chặn một cú sụp đổ tương tự như đã xảy ra với ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Tuy nhiên, sau khi tăng 10% trong phiên giao dịch chính thức nhờ chiến dịch giải cứu này, tin xấu khác xuất hiện, khiến cổ phiếu của FRB giảm 17% sau phiên giao dịch ngoài giờ (giao dịch khi thị trường đã đóng cửa).
Một chi nhánh của First Republic Bank ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngăn chặn cú súp đổ tiếp theo
Hôm 16-3, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ gồm JPMorgan, Citigroup, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs (NYSE:GS), Morgan Stanley cùng phối hợp để chuyển 30 tỉ đô la tiền gửi cho FRB để giải cứu ngân hàng này trước làn sóng rút tiền của khách hàng.
Được thành lập vào năm 1985, đặt trụ sở tại San Francisco, FRB có tổng tài sản trị giá 212 tỉ đô la và 176,4 tỉ đô la tiền gửi tính đến cuối năm ngoái, theo báo cáo thường niên. FRB được giới đầu tư xác định chịu rủi ro lây lan cao sau biến cố SVB. Khoảng 70% tiền gửi của ngân hàng này không được bảo hiểm. Mức này hơn mức trung bình tiền gửi không được bảo hiểm 55% ở các ngân hàng cỡ vừa, và chỉ thấp hơn mức của hai ngân hàng vừa sụp đổ là SVB và Signature Bank. Chỉ trong vòng một tuần, giá cổ phiếu của FRB giảm 60%.
Bên giải cứu là những ngân hàng đã nhận được dòng chảy tiền gửi từ các ngân hàng cỡ vừa bao gồm FRB trong tuần qua sau cú sụp đổ của SVB do khách hàng mất niềm tin vào những ngân hàng đang gặp bất ổn với khoản lỗ trên sổ sách lớn ở danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ. Thỏa thuận được thiết kế dưới sự trung gian của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed( Jerome Powell và Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon.
Gói giải cứu diễn ra chỉ một ngày sau khi ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ vay khẩn cấp 54 tỉ đô la từ Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản sau khi cổ phiếu của ngân hàng này bị bán tháo.
Những thỏa thuận giải cứu đó đã giúp trấn an giới đầu tư cổ phiếu tài chính trên toàn cầu trong phiên giao dịch hôm 15 và 16-3 sau một tuần chao đảo của cổ phiếu ngành ngân hàng.
Sau khi tăng giá 10% khi có tin tức về cuộc giải cứu, cổ phiếu FRB quay đầu giảm 17% trong phiê giao dich ngoài giờ khi ngân hàng cho biết họ sẽ tạm dừng chia cổ tức và tiết lộ dòng tiền chỉ còn 34 tỉ đô trước khi được bơm 30 tỉ đô la.
Lo ngại khủng hoảng chưa sớm kết thúc
Giới phân tích cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ dường như mong muốn nhanh chóng giải quyết rủi ro hệ thống. Nhưng họ lo ngại rủi ro xảy ra khủng hoảng ngân hàng còn lâu mới kết thúc.
Mathan Somasundaram, người sáng lập Công ty nghiên cứu Deep Data Analytics, nói: “Các ngân hàng lớn sẽ giữ tiền ở FRB chỉ vì lợi ích riêng của họ nhăm ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt từ hệ thống ngân hàng. Sau đó, họ sẽ dần rút lại số tiền này và ngân hàng FRB sẽ chết dần chết mòn”.
Jason Ware, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn tài chính Albion, cho rằng sự can thiệp vào lĩnh vực ngân hàng do ông Jamie Dimon dẫn dắt là một sự hỗ trợ tương đối nhỏ vì hệ thống có thể cần nhiều hơn con số 30 tỉ đô la đó.
Tỉ phú Bill Ackman, nhà quản lý đầu tư mạo hiểm ở Mỹ, chỉ trích gói giải cứu dành cho FRB. Ông cho rằng rằng hành động này là làm lây lan rủi ro tài chính và chỉ mang lại sự tự tin giả tạo. Ông nhấn mạnh các biện pháp nửa vời không thể giải quyết được khủng hoảng niềm tin.
Dù sự hỗ trợ đó ngăn chặn cú sụp đổ có thể sắp xảy ra, nhưng giới đầu tư đã giật mình trước những tiết lộ muộn màng tình trạng dòng tiền mặt của FRB cũng như số tiền mà ngân hàng này vay từ Fed trong những ngày vừa qua. Cuối ngày 16-3, FRB cho biết đã vay tới 109 tỉ đô la từ Fed trong giai đoạn từ ngày 10 đến 15-3 và vay thêm 10 tỉ đô từ Ngân hàng nhà ở liên bang vào ngày 9-3. Dữ liệu khác cũng cho thấy các ngân hàng ở Mỹ đã tiếp nhận lượng thanh khoản khẩn cấp kỷ lục từ Fed trong những ngày gần đây. Điều đó cho thấy các rủi ro lây lan từ biến cố của SVB vẫn chưa biến mất.
Hệ thống ngân hàng có nguồn vốn tốt so với năm 2018
Các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu đã bị vùi dập kể từ khi SVB sụp đổ vào tuần trước do các khoản lỗ liên quan đến trái phiếu chồng chất khi lãi suất tăng vào năm ngoái. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có những bất ổn nào khác có thể đang ẩn giấu trong hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn.
Trong vòng vài ngày sau biến cố SVB, cơn hỗn loạn của thị trường đã khiến Credit Suisse bị vạ lây, buộc ngân hàng này phải vay tiền khẩn cấp từ Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ. Credit Suisse đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu sử dụng phao cứu sinh khẩn cấp của cơ quan quản lý kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Karen Jorritsma, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Ú của RBC Capital Markets, nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng tốt hơn nhiều so với năm 2008 và các ngân hàng cũng được quản lý tốt hơn. Nhưng mọi người lo ngại rằng nguy cơ lây lay từ biến cố SVB là có thật. Điều đó làm lung lay niềm tin”.
Hiện tại, giới nhà chức trách Mỹ tự tin hệ thống ngân hàng có thể chống chịu tốt. Họ nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước vì các ngân hàng được trang bị vốn tốt hơn và nguồn vốn dễ dàng tiếp cận hơn.
Hôm 16-3, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản với lập luận rằng các ngân hàng ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) vẫn đang ở trong tình trạng tốt. ECB cho rằng lãi suất cao hơn sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của họ.
Giờ đây, sự chú ý của thị trường sẽ là quyết định chính sách của Fed vào tuần tới. Giới đầu tư đang tự hỏi liệu cơ quan này có tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát hay không trong bối cảnh cơn bất ổn ngân hàng vừa qua được cho là do Fed tăng lãi suất quá nhanh, khiến hàng loạt ngân hàng thua lỗ ở danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tại châu Á, giới chức trách của Singapore, Úc và New Zealand cho biết họ đang theo dõi thị trường tài chính nhưng tự tin rằng các ngân hàng trong nước của họ có nguồn vốn tốt và có thể chịu được những cú sốc lớn.
Khánh Lan