Chính sách phát thải Zero-carbon của châu Âu sẽ khiến các nhà sản xuất xe điện Âu - Mỹ thua trên chính sân nhà. Trong những tháng gần đây, tỷ phú Elon Musk và công ty Tesla (NASDAQ:TSLA) đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khi doanh số xe điện sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực lên giá cổ phiếu của công ty. Đây không chỉ là thử thách của một mình Tesla, mà là dấu hiệu suy thoái chung của ngành xe điện (EV).
Xe điện đã có một thời hoàng kim khi nhận được sự quan tâm và định giá cao chót vót của giới đầu tư cùng niềm yêu thích của người tiêu dùng như một mặt hàng "thời thượng", bảo vệ môi trường. Nhưng kể từ sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng đã chậm lại. Ngành công nghiệp này đã bước vào một giai đoạn mới, với những câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống như xăng và dầu diesel, sang điện (được cho là) sạch hơn, đang trải qua sự thoái trào tạm thời hay vĩnh viễn.
Đây từng là bản đồ phân phối của BYD và Tesla, giờ đây mọi chuyện dường như ngược lại |
Tuy nhiên, sự sụt giảm doanh số trong khu vực xe thuần điện là khó khăn chung với mọi hãng sản xuất. Trên khắp châu Âu, ô tô điện chạy pin giảm xuống còn 13% tổng doanh số bán hàng, giảm so với mức 13,9% của năm ngoái, trong khi doanh số bán xe hybrid – kết hợp pin với động cơ đốt trong – tăng lên 29% từ 24,4%. Tại Anh, ô tô điện chiếm 15,5% tổng doanh số bán ô tô trong ba tháng đầu năm 2024, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những năm gần đây, nhờ vào thị hiếu ngày càng cởi mở hơn với dòng xe thuần điện, các hãng ô tô đã sản xuất hàng loạt, tận dụng tối đa lợi thế quy mô (economies of scale) và thường xuyên bán đắt hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang phải vật lộn với tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất cao và các hộ gia đình có ít thu nhập khả dụng hơn.
Ở các thị trường như Trung Quốc, thói quen chi tiêu và đầu tư của người dân bị ảnh hưởng nhiều trong tình hình kinh tế ảm đạm và thiếu niềm tin sau khủng hoảng bom nợ nhà đất.
Bên cạnh đó, những đặc điểm của sản phẩm cũng khiến cho nhiều người cân nhắc kĩ trước khi xuống tiền. Người mua vẫn phải đặt cọc trước nhiều hơn cho ô tô chạy pin (mặc dù năng lượng rẻ hơn). Chi phí sửa chữa ô tô điện và chi phí bảo hiểm có thể cao hơn ở một số nơi do thiếu thợ cơ khí. Một yếu tố quan trọng khác là việc triển khai các bộ sạc điện công cộng hiện chưa hoàn thiện, chủ yếu là tạm bợ và chắp vá, khiến nhiều người e ngại về khâu nạp nhiên liệu trên các cung đường dài và không quen thuộc.
Bàn tay của Chính phủ
Dù người mua ở đâu cũng có những cân nhắc giống nhau, nhưng ở châu Âu, doanh số xe điện mỗi nước lại có 1 xu hướng riêng.
Na Uy là một ví dụ cho sự ngoại lệ với phần còn lại của thế giới. Với sự trợ cấp mạnh mẽ của Chính phủ nhờ vào chính sách hỗ trợ liên quan đến môi trường, xe điện hiện chiếm 90% thị trường tại quốc gia này. Thị phần xe điện cũng đã tăng lên trong năm nay tại Đan Mạch, Bỉ và Pháp.
Lắp ráp xe điện ở nhà máy của Volkswagen (ETR:VOWG_p) tại Đức |
Các quy định và luật cũng đóng một vai trò lớn trong việc cung cấp những loại ô tô nào. Mức tăng trưởng doanh số bán điện ở châu Âu được dự báo sẽ sụt giảm trong năm 2024. Đó là bởi vì ngày 1/1/2025 là ngày mà EU bắt đầu thực hiện bước đầu trong kế hoạch tiến tới phát thải không carbon (Zerocarbon): Lượng khí thải CO2 của mỗi chiếc ô tô bán ra đều phải giảm 15% so với năm 2021. Như vậy thì các nhà sản xuất sẽ dồn sức để bán ra trong năm 2025.
Chắc chắn là các nhà sản xuất ô tô đang chuẩn bị tung ra các mẫu xe mới cho thị trường đại chúng: Mẫu xe hatchback 5 thuần điện của của Renault sẽ có giá dưới 25.000 euro (21.430 bảng Anh) khi bắt đầu bán vào mùa thu này, trong khi Ford (NYSE:F) sẽ tung ra phiên bản chạy điện của chiếc xe bán chạy nhất Vương quốc Anh, Ford Puma, vào cuối năm nay.
BYD cũng rục rịch ra mắt mẫu xe mới
Nổi tiếng với các mẫu xe điện giá rẻ như Dolphin và Seagull, với các mẫu xe cập nhật có giá khởi điểm lần lượt là 13.900 USD (99.800 nhân dân tệ) và 9.700 USD (69.800 nhân dân tệ), BYD đang mở rộng sang lãnh thổ mới.
Ocean-M hatchback hứa hẹn càn quét doanh số xe điện ngay từ quý III/2024 |
Bước lùi của cả châu Âu trong cuộc đua sản xuất xe điện?
Nhiều lãnh đạo các hãng xe lớn tại Âu Mỹ đang chỉ trích Chính sách phát thải không carbon của châu Âu khi buộc các hãng xe phải nghiên cứu và giới thiệu các mẫu mới quá nhanh, ít sự chuẩn bị. Thị trường châu Âu không chào đón các loại xe xăng - vốn là thế mạnh lâu đời và duy nhất của các ông lớn trong ngành như Ford, General Motors. Xe xăng là chiến trường duy nhất còn sót lại mà phương Tây còn kiểm soát phần hơn trước ngành sản xuất ô tô Trung Quốc.
Tờ The Guardian so sánh việc các chính trị gia châu Âu đang đẩy các hãng xe điện vào thế thua cuộc ngay trên sân nhà, trong khi Trung Quốc dù có bị hạn chế về thương mại vẫn có 1 thị trường dồi dào gần 2 tỷ dân.
Đối với các nhà sản xuất ô tô điện, sự cạnh tranh khốc liệt đang ngày càng gay gắt – buộc tất cả các công ty phương Tây, kể cả Tesla, cũng phải giảm giá để bảo đảm doanh số. Sự cạnh tranh đó sẽ khiến các CEO mất ngủ nhiều đêm – và có thể buộc một số công ty phải sáp nhập hoặc đối mặt với tình trạng phá sản. Nhưng nó cũng có thể đẩy giá xuống thấp hơn nữa, khiến ô tô điện rẻ hơn so với các loại xe chạy bằng xăng.
Chuyên gia tư vấn của AutoAnalysis, ông Ian Henry kết luận: “Đó có thể là một điều tốt cho người tiêu dùng. Liệu đó có phải là điều tốt cho các nhà sản xuất đang cố gắng kiếm tiền hay không lại là một câu hỏi khác.”
>> Uỷ ban châu âu điều tra trợ cấp xe điện Trung Quốc: Lợi bất cập hại