Vietstock - Kinh tế Mỹ năng động tiếp tục duy trì đà tăng giá đồng đô la
Phần lớn giới phân tích và nhà đầu tư hồi cuối năm ngoái dự báo đồng đô la Mỹ sẽ giảm giá trong năm nay từ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoay trục chính sách tiền tệ, nhưng diễn biến thị trường hiện đi ngược lại. Tính từ đầu năm, đồng bạc xanh vẫn đang tăng giá nhờ sự năng động của nền kinh tế Mỹ và dòng tiền bên ngoài đổ vào các tài sản của Mỹ.
Đô la Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh thống trị trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Ảnh: oeconomico.com |
Giá đô la Mỹ đang tiến sát mức cao kỷ lục đạt được trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Khi so sánh với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đô la có mức giá cao hơn 17% so với mức giá trung bình của những đồng tiền này trong hai thập niên qua.
Sức mạnh nền kinh tế Mỹ hỗ trợ đồng bạc xanh
Các chỉ số trên diện rộng về sức mạnh tiếp tục của nền kinh Mỹ thúc đẩy đô la tăng giá trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các nhà giao dịch trên khắp các thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sớm hạ lãi suất. Những nhà đầu tư bán khống đô la buộc phải đóng vị thế của họ khi nhận ra lãi suất cao của Mỹ có thể duy trì trong thời gian lâu hơn dự kiến, củng cố đồng tiền của Mỹ.
Các trụ cột hỗ trợ quan trọng đối với đô la bao gồm tăng trưởng năng suất và sự năng động kinh tế của Mỹ. Ngoài ra, dòng vốn chảy vào các tài sản của Mỹ và sức mạnh công nghệ trong nước ở các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI) giúp củng cố vai trò thống trị của đồng bạc xanh với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới bất chấp mọi thăng trầm trong ngắn hạn.
Bằng cách duy trì sự dẫn đầu của nền kinh tế Mỹ, những yếu tố cơ bản mạnh mẽ này sẽ làm giảm tác động của việc giảm lãi suất của Fed trong tương lai đối với đô la.
Trong những tuần gần đây, các tay chơi lớn đã từ bỏ những khoản đặt cược giảm giá đối với đô la được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái. Theo dữ liệu mới của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), các nhà giao dịch phi thương mại, một nhóm bao gồm các quỹ phòng hộ, nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư đầu cơ, đã giảm đáng kể số lượng vị thế bán khống đồng đô la.
Candice Bangsund, nhà quản lý danh mục đầu tư của Công ty quản lý tài sản Fiera Capital, cho rằng sự giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm và tốc độ giảm lãi suất của Fed đang dẫn đến “một sự điều chỉnh lớn”.
“Kỳ vọng đã thay đổi rất nhiều trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ và rõ ràng điều này cũng lan tỏa sang thị trường tiền tệ”, bà nói.
Trong tháng này, các nhà kinh tế nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2024 lên 2,1% và giảm xác suất xảy ra suy thoái xuống 40%, theo khảo sát hàng tháng mới nhất của Bloomberg.
“Nếu tăng trưởng của Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong số các thị trường phát triển lớn và lãi suất của Mỹ không giảm nhiều, chắc chắn không có lý do gì để đồng đô la suy yếu”, Kiyoshi Ishigane, giám đốc quản lý quỹ của Mitsubishi UFJ Asset Management ở Tokyo, nhận định.
Sự bùng nổ về năng suất hiện tại có thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước tình trạng tăng trưởng chậm lại toàn cầu. Tuy nhiên, theo Fiotakis của Barclays, những tác động tích cực ngắn hạn này đối với đô la Mỹ chỉ là sản phẩm phụ của một xu hướng cơ bản mạnh mẽ hơn.
“Mỹ đã đầu tư và tiếp tục dồn lực cho mô hình kinh doanh chủ yếu hướng tới thúc đẩy nền kinh tế trong nước theo những cách không được thị trường chú ý”, Fiotakis nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông dẫn ra các ví dụ như sản lượng hàng hóa trong nước của Mỹ đang tăng lên và các tập đoàn công nghệ của Mỹ đang mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu.
Tài sản của Mỹ hút dòng vốn từ bên ngoài
Đà tăng giá của đồng đô la trong năm nay cũng đáng chú ý vì diễn ra cùng lúc với sự thăng hoa của chứng khoán Mỹ, giúp thu hút nguồn cung vốn ổn định từ bên ngoài cho nền kinh tế Mỹ. Nổi bật gần đây nhất là cổ phiếu của Nvidia (NASDAQ:NVDA), nhà cung cấp chip AI hàng đầu thế giới, tăng giá mạnh sau cáo thu nhập ấn tượng hồi tuần trước.
Những dòng chảy vốn đó là biểu hiện của lợi nhuận vốn ổn định, lâu dài của các tài sản ở Mỹ, đồng thời góp phần tạo ra sự hỗ trợ cho đồng bạc xanh.
Năm nay, thước đo theo dõi giá của nhóm cổ phiếu Big Tech, hay còn gọi là “Bộ bảy diệu kỳ” (Magnificent Seven), bao gồm Nvidia cũng như các công ty như Alphabet, Apple (NASDAQ:AAPL) và Microsoft (NASDAQ:MSFT), tăng khoảng 13% so với mức tăng chưa đến 5% của một thước đo giá cổ phiếu toàn cầu.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà chiến lược tiền tệ của Goldman Sachs (NYSE:GS) nhận định triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ từ các tài sản của Mỹ đang hỗ trợ đồng đô la.
Trong một báo cáo riêng năm ngoái, Goldman Sachs ước tính tỷ trọng tài sản Mỹ trong đầu tư danh mục đầu tư trên toàn cầu tăng lên khoảng 26% vào năm 2022 so với khoảng 16% vào năm 2005.
Sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp ở châu Âu và mối lo ngại gia tăng xung quanh lĩnh vực bất động sản đang suy yếu của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm ngoái tăng ở mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990.
Các nhà chiến lược của JPMorgan dự báo đồng euro sẽ suy yếu xuống mức 1 euro đổi 1,05 đô la vào giữa năm nay, từ mức 1 euro đổi 1,08 đô la hiện tại.
Nhưng sự thống trị của đồng đô la cũng gây ra “tác dụng phụ” đối với các công ty đa quốc gia của Mỹ. Sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ gây áp lực cho doanh số bán hàng ở nước ngoài của họ. Đối với các nước khác, đô la đắt đỏ làm tăng chi phí nhập khẩu, tăng áp lực lạm phát. Điều này gây áp lực cho giới hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước đó, buộc họ phải tăng lãi suất lên hơn nữa để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy.
Chánh Tài (Theo Bloomberg)