Vietstock - Hơn 1,000 cổ phiếu Trung Quốc “nằm sàn”, Shanghai Composite rớt ngưỡng 2,600 điểm
Ngay cả đối với thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới, cú đổ đèo trong ngày thứ Năm (11/10) vẫn quá đỗi kinh ngạc.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 5.2%, mức lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, khi làn sóng bán tháo lan rộng ra trên toàn cầu. Hơn 1,000 cổ phiếu “nằm sàn”, tức cứ 4 cổ phiếu thì có 1 cổ phiếu giảm sàn. Chỉ số Shanghai Composite rớt mốc 2,600 điểm, một ngưỡng thậm chí còn chưa “thủng” trong các đợt đổ đèo năm 2015 và 2016.
Chứng khoán Hồng Kông cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu, trong đó chỉ số Hang Seng có lúc giảm tới 4.1% trước khi xóa bớt đà lao dốc và chỉ còn hạ 926.7 điểm (tương ứng 3.54%) xuống 25,266.37 điểm. Chuỗi ngày đen tối của Tencent Holdings (công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á) vẫn chưa chấm dứt, trượt dốc 5.7% và nới dài thành 10 phiên giảm liên tiếp.
Cổ phiếu Trung Quốc đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chỉ số Shanghai Composite đã mất 24% trong 12 tháng vừa qua, giảm mạnh nhất trong số 94 chỉ số mà Bloomberg quan sát trên toàn cầu. Đà giảm tốc của nền kinh tế và đồng Nhân dân tệ ngày càng yếu chỉ làm gia tăng thêm nỗi lo lắng.
“Hoảng loạn? Tâm lý chung của các chuyên gia quản lý quỹ giống như đang ‘giả chết’”, He Qi, Chuyên gia quản lý danh mục tại Huatai Pinebridge Fund Management, cho hay.
Cổ phiếu viễn thông và công nghệ dẫn đầu đà giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, trong đó cổ phiếu ZTE Corp. và 360 Security Technology Inc. rớt hơn 9%. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng giảm mạnh nhất ở thị trường Hồng Kông sau phiên “đẫm máu” trên Phố Wall trong đêm qua.
Việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra các hàng hóa không khai báo ở biên giới cũng gây tổn thương tới các công ty hàng “sang chảnh”, trong đó cổ phiếu Prada SpA tụt mạnh nhất trong 13 tháng. Cổ phiếu Jiangxi Ganfeng Lithium có lúc lao dốc tới 28% trong ngày chào sàn.
“Tâm lý tiêu cực đang lấn át mọi chất xúc tác tích cực và nhà đầu tư sẽ xem đà phục hồi sắp tới (nếu có) là cơ hội để bán ra”, Louis Tse, Giám đốc quản lý tại VC Asset Management Ltd., nhận định. Bên cạnh đó, Louis Tse nói thêm, cổ phiếu ở Thượng Hải có thể giảm thêm sau khi rớt ngưỡng hỗ trợ quan trọng. “Nếu chúng ta nói về việc thấy ‘chặn cuối của đường hầm’ – tôi không nghĩ vậy”.
Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, trong đó Dow Jones và S&P 500 ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 08/02/2018, và nhóm cổ phiếu công nghệ là trung tâm của sắc đỏ khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản có rủi ro cao.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 831.83 điểm (tương đương 3.15%) xuống 25,598.74 điểm, chỉ số S&P 500 mất 94.66 điểm (tương đương 3.29%) còn 2,785.68 điểm vả chỉ số Nasdaq Composite lùi 315.97 điểm (tương đương 4.08%) xuống 7,422.05 điểm. Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/06/2016.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)