Vietstock - Hàn Quốc triển khai hệ thống giám sát bán khống cổ phiếu bất hợp pháp
Sàn giao dịch Hàn Quốc sẽ thiết lập một hệ thống giám sát để phát hiện các giao dịch bất hợp pháp nhằm bán khống cổ phiếu mà không vay trước, được gọi là bán khống vô căn cứ - naked short selling).
Giao dịch viên tại sàn KOSPI. (Ảnh: AP/TTXVN)
|
Ngày 25/4, Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai hệ thống giám sát tập trung nhằm phát hiện việc bán khống cổ phiếu bất hợp pháp sau khi nước này tạm cấm các giao dịch bán khống từ tháng 11/2023.
Theo kế hoạch, Sàn giao dịch Hàn Quốc, nhà điều hành thị trường chứng khoán Hàn Quốc, sẽ thiết lập một hệ thống giám sát để phát hiện các giao dịch bất hợp pháp nhằm bán khống cổ phiếu mà không vay trước, được gọi là bán khống vô căn cứ - naked short selling)
Cơ quan Giám sát Tài chính (FSC) cho biết hệ thống giám sát tập trung sẽ thu thập dữ liệu bán khống và số dư giao dịch chứng khoán từ 21 tổ chức nước ngoài và 78 tổ chức trong nước.
FSC cho biết việc thiết lập hệ thống giám sát sẽ mất 12 tháng để hoàn thành vì lệnh cấm bán khống cổ phiếu, sẽ hết hiệu lực vào tháng Sáu năm nay, có thể được gia hạn một lần nữa.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết lệnh cấm bán khống cổ phiếu sẽ chỉ được dỡ bỏ khi hệ thống điện tử có thể loại bỏ hoàn toàn các tác dụng phụ được thiết lập vững chắc.
Trước đó, các cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc đã phạt tổng cộng 26,5 tỷ won (khoảng 19,8 triệu USD) đối với hai ngân hàng đầu tư nước ngoài - BNP Paribas và HSBC - vào cuối tháng trước vì cáo buộc bán khống bất hợp pháp từ năm 2021 đến năm 2022.
Lệnh cấm chỉ áp dụng trên các cổ phiếu thuộc hai chỉ số Kospi 200 và Kosdaq 150 và thị trường KONEX (là sàn giao dịch chứng khoán dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ). FSC cũng cho biết lệnh cấm chỉ mang tính cục bộ, do đó một số cổ phiếu trong hai chỉ số Kospi và Kosdaq vẫn được phép bán khống.
Bán khống được hiểu là việc “đánh cược” vào giá cổ phiếu giảm. Khi đó, người ta sẽ mượn cổ phiếu và bán ra khi giá đang cao. Sau đó, khi giá giảm, họ mua cổ phiếu để trả lại cho bên cho mượn. Cổ phiếu giảm càng sâu, nhà đầu tư bán khống kiếm lời càng nhiều từ chênh lệch giá.
Việc bán khống là hợp pháp tại hầu hết các thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, bán khống vô căn cứ lại là hành vi bất hợp pháp.
Bán khống vô căn cứ là việc “mượn” số lượng cổ phiếu thậm chí không tồn tại, hoặc vượt quá số lượng có thể cho mượn, để bán khống và kiếm lời. Việc mượn cổ phiếu hợp pháp phải được xác nhận thông qua chuyển quyền sở hữu, nhưng tại các giao dịch bán khống vô căn cứ, quyền sở hữu chưa được xác nhận.
Bán khống vô căn cứ bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ bắt đầu cấm từ năm 2008 - được xem là một trong những nỗ lực cải thiện thị trường sau vụ sụp đổ của định chế đầu tư Lehman Brothers./.
Khánh Vân