Vietstock - Dòng vốn Trung Quốc tìm tới thị trường chứng khoán nước ngoài, có cả Việt Nam
Nhà đầu tư Trung Quốc giờ đã chán nản với thị trường chứng khoán yếu ớt ở quê nhà, cùng với các rủi ro địa chính trị và đồng Nhân dân tệ mất giá. Họ bắt đầu rót tiền vào các sản phẩm chuyên đầu tư vào các tài sản nước ngoài để giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.
Dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đang chảy mạnh vào các quỹ ETF và quỹ tương hỗ được phát hành theo chương trình Nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ tiêu chuẩn (QDII). Đây là một trong số ít kênh để người Trung Quốc có thể đầu tư ra nước ngoài và nhu cầu đang lớn đến nỗi các nhà quản lý các quỹ này xin cấp thêm hạn ngạch với quỹ QDII của họ.
Dòng vốn tìm tới tài sản nước ngoài
Các chuyên viên phân tích cho biết, nhà đầu tư đang tìm kiếm các quỹ đầu tư cho phép họ tiếp cận các thị trường Mỹ, Nhật Bản và thậm chí cả các thị trường mới nổi như Việt Nam và Ấn Độ khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.
Tính đến ngày 17/08, có 38 quỹ QDII ra mắt ở Trung Quốc trong năm 2023, một kỷ lục mới và vượt xa con số 31 quỹ QDII thành lập vào năm 2022, dữ liệu của Morningstar cho thấy.
“Nhu cầu đầu tư chứng khoán Mỹ đã xuất hiện từ cuối năm ngoái và tăng mạnh trong năm nay nhờ hiệu suất lợi nhuận hấp dẫn. Các sản phẩm quỹ ETF bám sát chỉ số Nasdaq ở thị trường chứng khoán Mỹ bán rất chạy”, Ivan Shi, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty tư vấn Z-Ben Advisors, có trụ sở tại Thượng Hải, nói.
Các nhà quản lý quỹ cho biết tổng hạn ngạch 165.5 tỷ USD của chương trình QDII gần như đã được sử dụng hết và nhu cầu sẽ còn tăng khi nhà đầu tư trong nước tìm kiếm giải pháp thay thế cho cổ phiếu và bất động sản nội địa - vốn đang rất ảm đạm.
Dòng tiền đã lũ lượt rời Trung Quốc trong suốt năm nay, không chỉ thông qua các quỹ QDII mà còn cả các chương trình kết nối đầu tư chứng khoán và trái phiếu giữa Trung Quốc đại lục ở Hồng Kông. Điều này gây khó cho Trung Quốc trong nỗ lực ổn định đồng Nhân dân tệ và vực dậy niềm tin.
CSI300, chỉ số theo dõi các cổ phiếu bluechip ở Trung Quốc, nằm trong những chỉ số chứng khoán lớn có thành tích tệ nhất thế giới trong năm nay, với mức giảm khoảng 2%. Trong năm 2022, chỉ số này đã giảm 22%. Từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ cũng giảm hơn 5% so với USD. Ngược lại, chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng 4.3% và chỉ số Nasdaq tăng khoảng 30% trong cùng giai đoạn.
Các nhà quản lý tài sản cho rằng Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) chậm phê duyệt cấp thêm hạn ngạch cho QDII sau khi cấp hạn ngạch mới 5.8 tỷ USD trong hai đợt trong năm nay.
Tianhong Asset Management, với sự hậu thuẫn của Ant Financial Group - công ty liên kết của Alibaba, đã tung ra 3 sản phẩm QDII trong nửa đầu năm nay. Các sản phẩm này bám theo chỉ số Nasdaq 100, cổ phiếu sản xuất cao cấp và cổ phiếu xe điện ở nước ngoài. Quy mô phân bổ vốn của Tianhong Asset Management vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đạt kỷ lục trong năm nay.
Tianhong đang lên kế hoạch cho các sản phẩm QDII mới. Công ty quản lý tài sản này nhận được hạn ngạch QDII mới trị giá 120 triệu USD vào tháng 7, thấp hơn mức kỳ vọng.
“Gần đây, nhiều nhà quản lý tài sản cảm thấy họ thiếu hạn ngạch đầu tư ra nước ngoài và muốn nhiều hơn nữa”, Liu Dong, Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế của Tianhong, chia sẻ.
Becky Liu, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered, cho rằng tốc độ cấp hạn ngạch mới cho QDII đã chậm lại. Theo ông, các cơ quan điều hành Trung Quốc có thể đang muốn kìm hãm đầu tư ra nước ngoài như một phần trong nỗ lực ổn định đồng Nhân dân tệ.
Tuần trước, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng trong nước hạn chế dòng vốn chảy ra thông qua chương trình kết nối đầu tư trái phiếu giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Liu kỳ vọng dòng vốn rời Trung Quốc trong năm nay có thể chạm tới các mức cao trong lịch sử. Nhưng ông cho biết tình hình không giống như đợt rút dòng vốn tháo chạy ồ ạt vào năm 2015 trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ mất giá chủ yếu do vốn tháo chạy qua các giao dịch không minh bạch.
“Lần này, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc chủ yếu thông qua các kênh hợp pháp. Thay vì nhà đầu nước ngoài bán cổ phiếu Trung Quốc, lần này là nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc”, Liu nói.
Nhu cầu quá lớn
Ra đời từ năm 2006, chương trình QDII là kênh đầu tư ra nước ngoài quan trọng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, còn có một chương trình khác mang tên Đối tác hữu hạn trong nước đủ tiêu chuẩn (QDLP).
Nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy quy mô tổng hợp của các quỹ tương hỗ thuộc chương trình QDII lần đầu tiên lên tới hơn 400 tỷ Nhân dân tệ (54.85 tỷ USD) vào cuối tháng 7, dữ liệu của Hiệp hội Quản lý tài sản Trung Quốc (AMAC) cho thấy. Theo AMAC, đến tháng 7, có tổng cộng 255 quỹ tương hỗ QDII trên thị trường.
Hiện Guanfa NASDAQ-100 ETF, một trong những quỹ ETF lớn nhất theo chương trình QDII, đang quản lý khối tài sản 17 tỷ Nhân dân tệ, tăng 48% trong nửa đầu năm. Trong khi đó, một số quỹ QDII phổ biến khác như quỹ chỉ số công nghệ thông tin S&P và quỹ S&P 500 của E Fund Management phải tạm dừng nhận nhà đầu tư mới vào đầu năm nay để kiểm soát quy mô quỹ của họ.
JP Morgan (NYSE:JPM_pj) Asset Management, công ty điều hành hoạt động kinh tế xuyên biên giới lớn ở Trung Quốc, nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư Trung Quốc đối với các quỹ đầu tư vào các tài sản nước ngoài. Do đó, họ lên kế hoạch ra mắt quỹ Nasdaq 100 QDII mới vào tháng 9, sau khi tài sản của quỹ đầu tư tập trung vào Nhật Bản của công ty này tăng hơn gấp 3 lần trong nửa đầu năm 2023.
“Trong dài hạn, chúng tôi tin rằng các quỹ đầu tư tài sản nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tiếp tục được quan tâm do nhu cầu đa dạng hóa toàn cầu của các nhà đầu tư trong nước”, Desiree Wang, CEO của J.P. Morgan Asset Management China, nhận định.
Tracy Liu, nhà đầu tư cá nhân đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin, đã đầu tư vào quỹ QDII tập trung vào thị trường Ấn Độ hồi tháng 3.
Ông cược rằng Ấn Độ sẽ là “Trung Quốc tiếp theo” và “đất nước này đang ở vị thế tốt hơn nhờ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Nga”.
Vũ Hạo (Theo Reuters)