Vietstock - Dân nghèo Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn nữa?
Kể từ khi rời khỏi gia đình ở Houston vào đầu năm nay, Chiugo Akujuobi sống nhờ các ngân hàng thực phẩm và tiền quyên góp từ bạn bè.
Cô gái 26 tuổi này hiện đang ngủ nhờ nhà một người bạn ở Bắc Texas. Họ tốt nghiệp trường Cao đẳng Scripps năm 2021 và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một công việc toàn thời gian, nên đành nhận một số công việc thiết kế đồ họa, tiếp thị truyền thông xã hội và viết quảng cáo theo hợp đồng.
Akujuobi là một trong hàng triệu người Mỹ đang phải vật lộn trong nền kinh tế ngày nay. Năm nay, Akujuobi ước tính mình kiếm được chưa đến 10,000 USD. Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Dân số, ngưỡng nghèo cho một người độc thân vào năm 2023 là 15,480 USD.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Mỹ đã giảm bớt phần nào, nhưng những người có thu nhập thấp vẫn đang phải vật lộn sau nhiều năm lạm phát và lãi suất cao. Tình hình của họ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump giữ lời hứa áp thuế nặng với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vì điều này có thể làm bùng phát lạm phát trở lại, các nhà kinh tế cho biết.
"Tôi không biết mình đã sống sót được bao lâu. Nhưng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, tôi biết người nghèo vẫn sẽ xoay xở được với những gì mình có", Akujuobi nói.
Vẫn đang choáng váng
Lạm phát đã giảm đáng kể so với mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022, khi giá xăng vượt 5 USD/gallon và giá nhà tăng vọt hai chữ số.
Tuy nhiên, giá cả đã tăng tổng cộng 22.2% vào tháng 11 năm nay so với tháng 01/2020, theo Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất. Và sau khi tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cuối cùng đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, mặc dù trong những bài phát biểu gần đây, các quan chức nói rằng chi phí đi vay vẫn đang gây tổn hại đến một số bộ phận của nền kinh tế. Họ cũng cho biết sẽ không vội vàng hạ chi phí vay.
Nhiều người Mỹ vẫn đang trong tình thế khó khăn: Gần 30% tổng số hộ gia đình tại Mỹ năm nay cho biết họ chi hơn 95% thu nhập khả dụng của mình cho các nhu cầu thiết yếu như chi phí nhà ở, hàng tạp hóa và hóa đơn tiện ích, tăng so với mức năm 2019, theo báo cáo của Viện Ngân hàng Mỹ. Tỷ lệ đó cao hơn, ở mức khoảng 35%, đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 50,000 USD một năm.
“Các hộ gia đình có thu nhập thấp luôn là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lạm phát và lãi suất cao”, Elizabeth Renter, chuyên gia kinh tế cấp cao tại NerdWallet cho biết.
Tăng trưởng tiền lương cuối cùng đã bắt đầu vượt lạm phát vào đầu năm 2023, khi các hộ gia đình ở mức thu nhập thấp nhất tại Mỹ có được mức tăng lương nhanh thứ hai, sau mức tăng của những người Mỹ giàu nhất tính đến tháng 11, theo dữ liệu của Fed, chi nhánh Atlanta. Tuy nhiên, thu nhập của họ đã chậm lại đáng kể kể từ đó.
Nhờ vậy, các công ty cung cấp mặt hàng thiết yếu và hàng giảm giá như Ross Stores, Dollar General và Walmart được hưởng lợi từ những người tiêu dùng có ý thức về giá cả. Walmart đã công bố doanh thu cao hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm và Dollar General đã báo cáo lượng khách hàng tăng.
Họ cũng lưu ý có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng thu nhập thấp cảm thấy căng thẳng.
“Nếu bạn lắng nghe báo cáo thu nhập từ một số nhà bán lẻ giao dịch nhiều với người có thu nhập thấp và trung bình, họ đều nói rằng mọi người đang chịu áp lực”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại một sự kiện ở New York vào đầu tháng này.
Còn “đau đớn” nào nữa không?
Nếu ông Trump tiến hành áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico và thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, giá cả có thể tăng 0.75% vào năm tới, theo ước tính của các nhà kinh tế tại Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale cung cấp cho CNN.
Cũng theo ước tính, điều đó sẽ tương đương với việc mất đi khoảng 1,200 USD sức mua hàng năm cho mỗi hộ gia đình, tính theo giá USD năm 2023. Dẫu vậy, giá cả có thể tăng ít hơn một chút nếu người Mỹ mua hàng hóa được sản xuất trong nước hoặc từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, một đợt lạm phát cao có thể sẽ khác so với đợt bùng phát gần đây nhất vào năm 2021, do cú sốc cung cầu từ đại dịch gây ra, các nhà kinh tế cho biết.
Lần này, người Mỹ sẽ không được hỗ trợ từ khoản tiết kiệm mà họ tích lũy trong đại dịch và hưởng phúc lợi từ các chương trình do Chính phủ trợ cấp, như gia hạn tín dụng thuế trẻ em và bữa trưa miễn phí ở trường.
"Các hộ gia đình không ở trong tình trạng tốt như khi vừa thoát khỏi đại dịch, nhưng chúng ta đang nói về một kịch bản lạm phát khác", Shannon Grein, một nhà kinh tế tại Wells Fargo cho biết.
Tuy nhiên, Grein cho biết các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong kịch bản này.
"Năm tới, chúng ta có thể có một môi trường mà chi tiêu sẽ chậm lại, với nhiều tổn thương đang lên đến đỉnh điểm và tác động đến phân khúc thu nhập thấp đang phải đối mặt với lạm phát và lãi suất ở mức độ lớn hơn nhiều", bà cho biết.
Nhã Thanh (Theo CNN)