Vietstock - Cơ hội kinh doanh ngàn tỷ đô xuất hiện khi châu Á già hóa!
Khi châu Á ngày càng già đi, triển vọng của các doanh nghiệp chăm sóc người lớn tuổi cũng trở nên tươi sáng hơn rất nhiều. Điều hấp dẫn ở đây là thậm chí các công ty không có kinh nghiệm trong mảng này, từ công ty phát triển bất động sản cho đến công ty báo chí, cũng có thể nhảy vào và khai thác tiềm năng tăng trưởng của ngành, Nikkei Asia Review cho thấy.
Số liệu thống kê
Đầu tiên, hãy nhìn vào các con số trong dữ liệu Liên Hiệp Quốc (UN) trong năm 2015, số tuổi trung bình ở Đông Nam Á là 28.8 tuổi. Mặc dù thấp hơn con số trung bình toàn cầu là 29.6 tuổi, nhưng dân số tại khu vực đang già đi nhanh chóng. Trong 7/10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), số lượng người trên 64 tuổi được dự kiến vượt 7% tổng dân số vào năm 2025.
Tổng lượng người lớn tuổi của khối này được dự báo chạm mức 123 triệu người vào năm 2050, gần như bằng với tổng dân số hiện tại của Nhật Bản.
Một cuộc thăm dò của công ty bảo hiểm Mỹ Marsh & McLennan cho thấy khoản chi tiêu y tế cho người lớn tuổi ở Thái Lan, Việt Nam, và 3 quốc gia Đông Nam Á khác trong năm 2030 sẽ gấp 6.5 lần so với con số trong năm 2015. Tại Việt Nam, khoản chi tiêu y tế cho người lớn tuổi được kỳ vọng tăng vọt 9.3 lần. Vì sự hỗ trợ của các Chính phủ nước này dành cho việc chăm sóc người lớn tuổi là thấp hơn những quốc gia phát triển khác, do đó các công ty tư nhân có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh tiềm năng rất lớn ở đây.
Đây chắc chắn là trường hợp của Trung tâm Chăm sóc cao tuổi Thiên Đức ở vùng ngoại ô Hà Nội, một công ty tiên phong trong ngành chăm sóc điều dưỡng của Việt Nam. Công ty được thành lập bởi ông Nguyễn Tuấn Ngọc, một bác sĩ nghiên cứu và nhập khẩu các phương pháp thực hành chăm sóc điều dưỡng Nhật Bản mới nhất, như chăm sóc cả ngày lẫn đêm, các viện dưỡng lão với các bác sĩ thường trực và chương trình phục hồi chức năng. Kể từ khi khai trương cơ sở đầu tiên trong năm 2008, ông Nguyễn Tuấn Ngọc đã mở thêm 2 cơ sở nữa ở Hà Nội. Và ông dự định mở thêm một trung tâm chuyên về phục hồi chức năng vào năm 2018.
Có khoảng 200 người sống ở 3 cơ sở đó với độ tuổi trung bình là 70 tuổi, và một số đã 100 tuổi.
Nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam, Vingroup, cũng đang thâm nhập vào ngành này. Công ty đã mở 7 bệnh viện dưới thương hiệu Vinmec với mục đích chăm sóc người già trên 70 tuổi. Những người có thẻ thành viên Vinparents – bằng cách trả 1 khoản phí nhất định – nhận được lời khuyên để giữ được sự khỏe mạnh, được khám bệnh thường xuyên và tham gia chương trình ngăn chặn các căn bệnh và thương tổn liên quan đến tuổi già. Vingroup dự định gia tăng số lượng bệnh viện lên 10 vào năm 2020.
Tại thái Lan, Dịch vụ Y tế Bangkok Dusit Medical Services, nhà điều hành bệnh viện tư nhân lớn nhất ở nước này, dự định mở một trung tâm lớn để cung cấp dịch vụ y tế cho người lớn tuổi và chăm sóc những người có căn bệnh Alzheimer’s.
Trong năm 2016, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng Nhật Bản, Riei, đã mở một ngôi nhà chăm sóc người lớn tuổi với 20 căn phòng gần với Bangkok.
Ở Myanmar cũng thế, các công ty đang cố gắng tìm cách thâm nhập vào thị trường này.
Những chân trời mới
Việc thiếu kinh nghiệp trong các dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi không thể ngăn cản các doanh nghiệp nắm bắt lấy cơ hội thâm nhập vào ngành.
Tại Singapore – nơi có dân số già hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á, công ty xuất bản và báo chí là Singapore Press Holdings đã mua lại một công ty nội địa, hiện đang điều hành 5 viện dưỡng lão, trong tháng 4/2017 với giá là 164 triệu Đô la Singapore (tương đương 120 triệu USD).
Còn ở Indonesia, nhà phát triển bất động sản PT Jababeka đã hợp tác với công ty chăm sóc người lớn tuổi Nhật Bản, Longlife Holding, trong năm 2014 để cung cấp nơi ở cho những người già. Thông qua mối quan hệ hợp tác, các công ty nhắm đến mục tiêu mở khoảng 100 “thị trấn cho người già” với các cơ sở chăm sóc điều dưỡng và y tế và nơi ở.
Các thị trường về dịch vụ có liên quan cũng đang tăng trưởng mạnh. Nhà sản xuất nguyên liệu lớn nhất của Thái Lan, Siam Cement Group, đang đẩy mạnh doanh số bán nguyên vật liệu xây dựng nhà ở dành cho người lớn tuổi nhằm khai thác nhu cầu ngày càng tăng của việc cải tạo nhà ở.
Thị trường khổng lồ ở Trung Quốc
Với lượng dân số khổng lồ và chính sách 1 con – vốn đã tồn tại hơn 30 năm, thì không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có số lượng người lớn tuổi cực cao và không ngừng gia tăng. Vào cuối năm 2015, khoảng 220 triệu người Trung Quốc lớn hơn 59 tuổi. Trong khi đó, số người Trung Quốc 64 tuổi trở lên được dự báo vượt 400 triệu người vào năm 2060.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp.
Tại nhà chăm sóc điều dưỡng duy nhất ở thành phố phía Nam Trung Quốc, Laibin, những người lớn tuổi có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Khai trương từ 2 năm trước, ngôi nhà này đã có tới 151 người sinh sống. Được khuyến khích bởi sự thành công của ý tưởng chăm sóc người lớn tuổi, trong tháng 6/2017, Laibin đã mời các công ty Nhật Bản, bao gồm Longlife Holding và Paramount Bed Holdings, hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà chăm sóc sức khỏe như là một dự án phát triển thành thị.
“Số lượng người trẻ tuổi ở đây ngày càng bị thu hẹp vì nhiều người đã chuyển tới các thành phố lớn”, một quan chức Chính phủ cấp cao cho biết. “Chăm sóc người lớn tuổi là một vấn đề cấp thiết”.
Với việc đa số người trẻ tuổi làm việc ở Tỉnh Quảng Đông và một số khu vực công nghiệp hóa khác, Quảng Tây đang chuẩn bị rơi vào tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc điều dưỡng. Quan chức ở Laibin cho biết họ muốn học hỏi các dịch vụ chăm sóc điều dưỡng theo phong cách Nhật Bản nhằm giúp người lớn tuổi có thể tự lực cánh sinh.
Các con số thống kê khác đang cho thấy rõ hơn về bức tranh dân số của Trung Quốc. Tình hình nhân khẩu của Trung Quốc đôi khi được mô tả theo tỷ lệ “4:2:1” – tức 4 người lớn tuổi, 2 người trong độ tuổi lao động và một đứa cháu. Tỷ lệ trên đúng với 80% hộ gia đình ở Thượng Hải. Trong khi đó, khoảng 250 triệu người, bao gồm những người di cư trong nước, sống ở những khu vực khác với nơi đăng ký sổ hộ khẩu.