Vietstock - Chứng khoán Nhật Bản vượt mốc 39,000 điểm lên đỉnh cao nhất mọi thời đại
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vừa lập mức cao kỷ lục trong ngày 22/02 nhờ bức tranh kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp cùng với các cuộc cải cách về quản trị từ Chính phủ Nhật Bản.
Tính tới lúc 11h15 ngày 22/02 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 tăng gần 2% lên hơn 39,000 điểm, vượt mức kỷ lục trước đó là 38,915.87 điểm xác lập vào năm 1989.
Cả chỉ số Nikkei 225 và Topix đều có màn trình diễn ấn tượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai chỉ số đều tăng hơn 10% từ đầu năm sau mức leo dốc hơn 25% trong năm 2023 – là năm ấn tượng nhất trong 1 thập kỷ.
Với lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 cao hơn dự báo (lưu ý NĐTC của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 01/04), các chuyên gia cổ phiếu tại Bank of America đã nâng dự báo với chỉ số Nikkei 225, từ 38,500 điểm lên 41,000 điểm vào cuối năm 2024. Họ cũng nâng dự báo với Topix từ 2,715 điểm lên 2,850 điểm.
Đà tăng còn được hậu thuẫn bởi đồng Yên yếu hơn. So với đầu năm, đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm 6% so vưới USD và sắp rơi xuống mức đáy 33 năm.
Giới đầu tư gần đây theo chân Warren Buffett rót vốn vào chứng khoán của xứ mặt trời mọc. Bên cạnh đó, họ cũng đánh giá cao các cuộc cải cách quản trị doanh nghiệp của Chính phủ Nhật Bản. Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho thấy khối ngoại đã rót hơn 2 ngàn tỷ Yên vào sàn này trong tháng 1/2024.
Tuần trước, tờ Nikkei dẫn lại dự báo của các chuyên gia rằng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, lãi ròng của các doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản có thể chạm mức kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.
Trước đó, giới doanh nghiệp tại xứ mặt trời mọc đã ghi nhận lãi kỷ lục trong tháng 10-12/2023, với mức tăng trưởng 45% so với cùng kỳ và cao hơn 14% so với dự báo chung của các chuyên gia.
Toyota, hãng xe hơi lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm các doanh nghiệp nâng dự báo lợi nhuận nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận và doanh thu.
Đồng Yên yếu, chứng khoán mạnh
Những bước tăng quật khởi của chứng khoán Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh đồng Yên suy yếu vì chênh lệch lãi suất cao giữa Mỹ và Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki là vị quan chức gần nhất nhắc lại lo ngại về đà suy yếu của đồng Yên trong ngày 16/02. Ông nói rằng ông đang theo dõi diễn biến đồng nội tệ với một cảm giác “khẩn cấp”. Một mặt đồng Yên yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu, nhưng mặt khác lại làm giảm sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản.
Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách lãi suất âm, dù lạm phát lõi đã vượt mục tiêu 2% trong hơn 1 năm qua.
Những người tham gia thị trường kỳ vọng NHTW Nhật Bản sẽ chấm dứt lãi suất âm tại cuộc họp tháng 4/2024, khi cuộc đàm phán tiền lương thường niên trong mùa xuân cho thấy xu hướng tăng đáng kể. BoJ tin rằng đà tăng của tiền lương sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
Nhưng lạm phát cao kéo dài đã làm giảm chi tiêu nội địa. Đây là lý do chính giải thích tại sao GDP Nhật Bản giảm trong 2 quý liên tiếp và nhường lại ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tay nước Đức.
* Chuyên gia: Đồng yen Nhật Bản đang đi ngược với kỳ vọng của thị trường
* Nhật Bản bất ngờ suy thoái trong quý 4, Singapore đón tin xấu đầu năm Giáp Thìn
Vũ Hạo (Theo CNBC)