Tài sản số sẽ được coi là tài sản hợp pháp và bị đánh thuế từ năm 2026
Investing.com - Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách đang cản trở các sáng kiến thúc đẩy năng lượng sạch tại Mỹ, trong khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò là nhà đầu tư hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cuộc đua năng lượng xanh giữa các cường quốc đang nóng lên. Các hệ thống AI và công nghệ tiên tiến cần lượng điện lớn để vận hành, đòi hỏi đầu tư mạnh vào trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán, dẫn đến việc các quốc gia đẩy mạnh sản xuất điện – đặc biệt thông qua năng lượng tái tạo.
Tại Mỹ, đề xuất của Tổng thống Trump – bao gồm gia hạn các chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017, tăng ngân sách quốc phòng và an ninh biên giới, đồng thời cắt giảm chi cho các chương trình an sinh – bị cho là đi ngược lại xu hướng phát triển năng lượng sạch toàn cầu.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng năng lực năng lượng tái tạo. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng lưới điện quốc gia Trung Quốc, nước này dự kiến bổ sung thêm 500 GW công suất năng lượng tái tạo trong năm 2025 – một bước tiến lớn để khẳng định vị thế dẫn đầu.
Trái ngược với xu hướng toàn cầu, chính quyền Mỹ đang rút lại nhiều khoản ưu đãi cho năng lượng xanh. Tổng thống Trump từng chỉ trích năng lượng gió là “tai họa” và các dự án điện mặt trời là “kém hiệu quả”, dù điện mặt trời từng là nguồn tăng trưởng mạnh nhất năm 2024 tại Mỹ, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Thay vào đó, Mỹ có kế hoạch tăng cường sản xuất điện bằng than đá – loại nhiên liệu được cho là gây ô nhiễm nhất – cùng với khí đốt, thủy điện và năng lượng hạt nhân. Dù một số công ty Mỹ gần đây công bố các khoản đầu tư lớn vào năng lượng và công nghệ, các dự án này lại không bao gồm năng lượng tái tạo, khiến triển vọng dài hạn của lĩnh vực này tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
Ngược lại, Trung Quốc đang tập trung xây dựng lưới điện hiện đại và cơ sở hạ tầng để tích hợp năng lượng tái tạo. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, đến năm 2024, năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 35% tổng sản lượng điện toàn quốc, dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc đáng kể vào than và dầu.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent và Alibaba đang tích cực triển khai các giải pháp xanh trong hoạt động. Tencent đã triển khai một hệ thống lưới điện siêu nhỏ tại trung tâm dữ liệu ở Thiên Tân, sử dụng điện mặt trời tích hợp với lưới công cộng. Dự án là một phần trong mục tiêu trung hòa carbon của hãng vào năm 2030.
Tương tự, Alibaba cho biết 64% trung tâm dữ liệu do hãng tự xây hiện đang sử dụng điện sạch – bao gồm năng lượng tái tạo và năng lượng không phát thải độc hại như hạt nhân. Những động thái này cho thấy sự gắn kết giữa mục tiêu kinh doanh và chiến lược quốc gia hướng tới trung hòa carbon vào năm 2060 theo định hướng của Chủ tịch Tập Cận Bình.