Tài sản số sẽ được coi là tài sản hợp pháp và bị đánh thuế từ năm 2026
Investing.com - Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế 0,1% trên mỗi lần giao dịch đối với tài sản số và tài sản mã hóa, tương tự cơ chế thu thuế hiện hành với chứng khoán. Nội dung này được nêu trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến.
Theo đó, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng tài sản số – bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa – sẽ chịu thuế nếu giao dịch được thực hiện trên các sàn có quản lý minh bạch, công khai giá và hoạt động thường xuyên.
Trước đây, Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số. Tuy nhiên, Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026) lần đầu tiên xác định tài sản số là một loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Đây là cơ sở để cơ quan thuế triển khai chính sách thu thuế đối với loại hình tài sản này.
Cùng với đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ các dự thảo nghị định và nghị quyết hướng dẫn thi hành các luật tài chính mới. Trong đó có yêu cầu trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025.
Theo số liệu từ nền tảng thanh toán Triple-A, Việt Nam hiện có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới. Tỷ lệ sở hữu trung bình đạt 17%, cao gần gấp ba lần mức trung bình toàn cầu (6,5%).
Dữ liệu từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam trích dẫn công ty Chainalysis cho thấy dòng vốn vào lĩnh vực blockchain tại Việt Nam trong giai đoạn 2023–2024 đạt hơn 105 tỷ USD, mang lại lợi nhuận gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023. Những con số này phản ánh tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường tài sản số tại Việt Nam.