Vietstock - 182 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc, tạo áp lực lên đồng Nhân dân tệ
Đồng Nhân dân tệ đang phải đương đầu với nhiều thách thức chưa từng có, không chỉ từ nền kinh tế suy yếu trong nước, mà còn từ làn sóng đầu tư ra nước ngoài đạt mức kỷ lục của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo số liệu tài khoản vốn (capital account) của Trung Quốc - theo dõi dòng vốn ra vào của nước này, dòng vốn chảy ra nước ngoài đã chạm mức kỷ lục trong năm 2024 khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn ở nước ngoài. Kết quả là, các khoản thanh toán của ngân hàng thay mặt khách hàng cho các giao dịch vốn và tài chính đã vượt qua tài khoản vãng lai - chủ yếu liên quan đến thương mại.
Đây là điều chưa từng có. Sự mất cân bằng này nếu kéo dài có thể làm dấy dẫn tới tình trạng cạn kiệt vốn nghiêm trọng, làm suy yếu khả năng quản lý đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh và tăng khả năng Trung Quốc siết chặt quy định.
Tài khoản vốn của Trung Quốc
|
"Xu hướng này báo hiệu khả năng giảm giá tiền tệ, hoặc nếu tỷ giá giữ nguyên, sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối", Philip McNicholas, Chiến lược gia về nợ công châu Á tại Robeco Singapore nói.
"Thách thức lớn nhất đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hiện nay là tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu, khiến việc thu hút các dòng vốn đầu tư nhạy cảm với tốc độ tăng trưởng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng lo ngại về rủi ro trong môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp miễn cưỡng mở rộng đầu tư, thậm chí một số đã quyết định rút lui hoặc thanh lý các khoản đầu tư tại thị trường này", ông nói.
Đồng Nhân dân tệ đã giảm khoảng 2.8% trong 3 tháng qua, theo xu hướng giảm của tất cả đồng tiền châu Á khác, khi đồng USD tăng mạnh sau chiến thắng bầu cử của Donald Trump vào ngày 5/11. Đồng nội tệ Trung Quốc trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.
Hướng ra nước ngoài
Theo tính toán của Bloomberg, các ngân hàng trong nước của Trung Quốc đã chuyển ròng 1,330 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 182 tỷ USD) ra nước ngoài thay mặt khách hàng để đầu tư trong năm ngoái - một con số kỷ lục. Con số này đã tính đến cả đầu tư nước ngoài vào quốc gia này, cũng như hoạt động mua chứng khoán nước ngoài của nhà đầu tư trong nước.
Tài khoản vốn của Trung Quốc đang chịu áp lực nặng nề do nhiều yếu tố: Dòng vốn FDI vào nước này suy giảm, nhu cầu mở rộng ra nước ngoài của các công ty trong nước tăng cao, và làn sóng rút vốn khỏi cổ phiếu nội địa. Sự kết hợp của các yếu tố này dẫn đến nhu cầu đô la tăng mạnh, dòng tiền chảy ra lớn và biến động của đồng Nhân dân tệ ngày càng mạnh mẽ.
Trong khi đó, sự hỗ trợ từ thặng dư thương mại nhiều năm của quốc gia này - vốn đã đạt kỷ lục 992 tỷ USD năm ngoái - đang dần suy yếu. Nguyên nhân là do các nhà xuất khẩu đã ưu tiên giữ lại thu nhập bằng đồng USD, bởi lợi suất của tài sản Mỹ đang cao hơn so với Trung Quốc.
Kiểm soát chặt chẽ
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của PBOC trong năm qua là ngăn chặn sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ không trở thành một cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Trong những tuần gần đây, ngân hàng trung ương đã liên tục đưa ra cảnh báo chống lại các hành vi gây rối loạn thị trường, đồng thời tăng cường kiểm soát đồng tiền thông qua việc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho giao dịch trong nước. PBOC cũng đã có động thái rút bớt thanh khoản ở thị trường nước ngoài bằng cách cam kết phát hành trái phiếu kỷ lục tại Hồng Kông.
Le Xia, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại BBVA Hồng Kông cho biết tác động ngày càng tăng của dòng vốn trong tài khoản vốn đối với đồng Nhân dân tệ có thể làm phức tạp thêm nỗ lực hỗ trợ đồng tiền của PBOC.
"Với áp lực hiện tại lên đồng Nhân dân tệ, các quan chức có thể siết thêm việc quản lý dòng vốn chảy ra nước ngoài trong năm nay", ông nói. "Đây là biện pháp hợp lý cần thực hiện để duy trì ổn định tài chính".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)