Dùng nợ để xây dựng lên khối tài sản khổng lồ, khi thị trường gặp khó khăn, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã "đốt" thành quả tích góp 15 năm trong thời gian ngắn. Kết quả kinh doanh Hòa Bình năm 2023
Ảnh minh họaCTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HM:HBC) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu thuần 2.190,6 tỷ đồng, bằng 68,1% doanh thu quý IV/2022.
Hai điểm nhấn đóng vai trò cứu cánh cho Hòa Bình ở quý cuối năm 2023 gồm: (1) Doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi gộp dương 53,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn; (2) Tại phần chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ xuất hiện khoản hoàn nhập từ trích lập nợ dự phòng phải thu khó đòi 310,2 tỷ đồng.
Nhờ vậy, quý IV/2023, HBC lãi sau thuế 101,3 tỷ đồng, cải thiện hơn cùng kỳ lỗ 1.201,9 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 4 quý lỗ liên tục.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 7.456,4 tỷ đồng, bằng 53,3% thực hiện năm 2022 và 69,9% kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp lỗ sau thuế 782,3 tỷ đồng, cách xa kế hoạch lãi sau thuế 433 tỷ đồng đặt ra. Trước đó, năm 2022, Hòa Bình cũng lỗ lên tới 2.570,5 tỷ đồng.
Góc khuất được phơi bày, Hòa Bình dùng 2 năm để "đốt" lợi nhuận 15 năm
Theo giới thiệu tại trang chủ doanh nghiệp, Xây dựng Hòa Bình được thành lập vào năm 1987 với số lượng nhân viên ban đầu là 20 người. Giai đoạn từ 2005 -2015 có ý nghĩa đặc biệt, từng bước đưa Hòa Bình lọt Top 5 Nhà thầu tổng hợp hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2015 - 2024 là giai đoạn doanh nghiệp định vị thương hiệu.
Lũy kế lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình trong 15 năm (từ 2009 - 2023). |
Khoản lỗ của doanh nghiệp này bắt đầu ghi nhận từ IV/2022, cần lưu ý rằng, thời điểm yêu cầu công bố thông tin kết quả kinh doanh này, Hòa Bình đã liên tục trì hoãn và lúc đó doanh nghiệp đang xảy ra cuộc "nội chiến" giữ phe ông Lê Viết Hải - người sáng lập công ty, giữ chức Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT.
Cuộc “nội chiến” diễn ra khiến cho nhà đầu tư thấy một số “góc khuất” được hé lộ tại Xây dựng Hòa Bình liên quan đến các thông tin “nội bộ” mà phía ông Nguyễn Công Phú tiết lộ - là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự tranh chấp.
Một trong số những thông tin khiến nhiều nhà đầu tư, những người quan tâm chú ý là việc một Thành Viên HĐQT độc lập - ông Dương Văn Hùng đã thông tin về việc HBC cấp những khoản đầu tư “chưa trở về” cho các công ty con do con trai ông Lê Viết Hải điều hành, và những khoản tạm ứng cho các cá nhân liên quan đến vị Chủ tịch HĐQT này.
Hệ quả từ "xây dựng lâu đà trên cát"
Đến ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Hòa Bình là 13.054,8 tỷ đồng, trong đó: Hàng tồn kho là 2.285,4 tỷ đồng (chiếm 17,5%); Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn lên tới 8.819,7 tỷ đồng (chiếm 67,6%), đây chủ yếu là các khoản phát sinh do HBC thực hiện xây dựng công trình trước và thu tiền sau. Điều này dẫn tới rủi ro khó thu hồi công nợ, bằng chứng là doanh nghiệp trích lập tới 2.162,7 tỷ đồng nợ khó đòi.
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của HBC. |
Dùng nợ vay để tài trợ cho hàng tồn kho và khoản phải thu khách hàng khiến Hòa Bình dễ bị rơi vào tình trạng cạn tiền và khó ứng phó trong điều kiện lãi suất lên cao.
Vào thời điểm đầu năm 2023, cựu Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Công Phú cho biết HBC chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng, đối với quy mô doanh thu 15.000 tỷ đồng thì đây là 1 điều kinh khủng. Tại ngày 31/12/2023, tiền mặt của HBC ghi nhận 390,6 tỷ đồng, bằng 3% tổng tài sản.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ năm 2017 - 2023 cho thấy dòng tiền kinh doanh của HBC liên tục âm, chỉ xuất hiện 2 năm có dòng tiền kinh doanh dương.
Gần đây, Xây dựng Hòa Bình cũng đứng đầu danh sách chậm đóng BHXH trên địa bàn TP.HCM do chậm đóng bảo hiểm 9 tháng với số tiền hơn 39 tỷ đồng.
>> Xây dựng Hòa Bình (HBC) ‘đối mặt’ nguy cơ hủy niêm yết