Vietstock - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Đang quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường
Tại Họp báo Chính phủ vào chiều tối ngày 5/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành liên quan đang chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Trả lời báo chí về giải quyết vướng mắc đối với thị trường chứng khoán và kỳ vọng cho năm 2024 là gì, đặc biệt là việc nâng hạng thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức chi cho biết, về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành sửa Nghị định 155 và Nghị định 156, cũng như Nghị định 128 hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng như xử phạt vi phạm hành chính để có công cụ, khuôn khổ pháp lý thực hiện. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 69 quy định lại lộ trình sắp xếp các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các thị trường khác
Thứ hai, công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được tập trung nguồn lực để thực hiện. Trong năm 2023, chúng tôi đã tiến hành 67 đoàn kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 37.2 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp kịp thời với Ủy ban Chứng khoán thực hiện kiểm tra nhiều công ty kiểm toán được chấp thuận tổ chức rà soát, báo cáo tài chính về kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các kiểm toán viên để đảm bảo chấn chỉnh thị trường.
Thứ ba, công tác tái cấu trúc thị trường, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ yếu kém không hiệu quả. Trong năm 2023 đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và 2 công ty chứng khoán vào diện cảnh báo.
Thứ tư là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về giao dịch rồi chuyển nhượng và nhà đầu tư, kết nối dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu công dân để quản lý cũng như giám sát thị trường chứng khoán.
Về kết quả, chỉ số VN-Index đến 29/12 là 1,129 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt là 17,500 tỷ đồng một phiên và quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 6,000,000 tỷ và tăng 9.5% so với năm 2022, tương đương vào khoảng 62% GDP năm 2022.
Thị trường chứng khoán phái sinh duy trì ổn định khối lượng giao dịch bình quân 263,000 hợp đồng/phiên. Số các nhà đầu tư mới, đăng ký mở mới trong năm 2023 là 355,000 tài khoản và đưa tổng tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay lên trên 7,000,000 tài khoản.
Còn kỳ vọng gì cho năm 2024 thì xin được chia sẻ như thế này. Thứ nhất là thị trường chứng khoán cũng phản ánh chất lượng của nền kinh tế. Sáng nay, Chính phủ cũng đã tổ chức tổng kết và như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo, những giải pháp lớn của Chính phủ để đảm bảo các cân đối vĩ mô, bền vững và tiếp tục tăng trưởng và chất lượng trong năm 2024 chính là nền tảng để thị trường chứng khoán của chúng ta trong năm 2024 sẽ phát triển một cách ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán. Còn riêng về nâng hạng thị trường chứng khoán, ngay trong năm 2024 này, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất; đề xuất các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng thị trường chứng khoán có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán.
Nhật Quang