Vietstock - Thị trường chứng khoán Việt Nam ít rủi ro trong ngắn hạn
Trong bối cảnh nền lãi suất thấp, dư địa chính sách tiền tệ bắt đầu có, sức hút thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài cơ bản có sự phục hồi, cho thấy thị trường có khá ít rủi ro trong ngắn hạn.
Đó là nhận định của ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu CTCP Chứng khoán VPBank (HM:VPB) (VPBankS) - trong buổi livestream “Khớp lệnh 30/09/2024: Động lực cuối năm”.
Ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS
|
Áp lực tỷ giá đang giảm
Fed hạ lãi suất là câu chuyện đáng mừng với nền kinh tế Việt Nam và là cú huých cho thị trường. Tuy nhiên, có những quan điểm trái chiều về biến động trong ngắn hạn và cần theo dõi thêm các số liệu kinh tế Mỹ cũng như thế giới, để đưa ra kết luận cuối cùng về việc nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái hay hạ cánh mềm.
Ở Việt Nam, dữ liệu kinh tế 8 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực và ông Dương đánh giá bức tranh vĩ mô chưa cho thấy vấn đề quan ngại nào tạo rủi ro cho thị trường chứng khoán (TTCK).
Về câu chuyện tỷ giá, dễ thấy từ tháng 7/2023 - 3/2024, tỷ giá chịu áp lực mạnh, chênh lệch lợi tức trái phiếu Mỹ và Việt Nam có thời điểm lên hơn 2%, khi đó NHNN có những điều chỉnh để hạn chế đầu cơ, bắt buộc phải đưa lãi suất thị trường mở ở các kỳ hạn ngắn tăng lên để giảm chênh lệch, từ đó kéo lãi suất liên ngân hàng từ bình quân 2.5% vọt lên hơn 4%.
Đến thời điểm hiện tại, áp lực tỷ giá hạ khá nhanh, các mức lãi suất kỳ hạn qua đêm 7 và 14 ngày có xu hướng giảm nhanh từ quanh 4.5% về 4%, qua đó tạo tín hiệu đáng mừng trong việc điều hành chính sách tiền tệ liên quan tỷ giá.
Bên cạnh đó, chênh lệch lợi tức trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm của Việt Nam và Mỹ có xu hướng thu hẹp rất nhanh. Theo ông Dương, lợi tức TPCP Mỹ sẽ không giảm mạnh lúc này mà giữ quanh 3.2 - 3.5%, dựa trên dự phóng của 30 tổ chức lớn trên Bloomberg cho giai đoạn 2024 - 2025. Còn ở Việt Nam, lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm có sự thu hẹp đáng kể, giúp giảm áp lực tỷ giá, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Áp lực tỷ giá đang giảm
Nguồn: VTV (HN:VTV) Money
|
Khối ngoại bao giờ trở lại?
TTCK Việt Nam chứng kiến giai đoạn khối ngoại bán ròng kéo dài đến từ nhiều lý do, trong đó có sự tương quan nhất định giữa mức chênh lệch lợi tức TPCP 10 năm của Mỹ và Việt Nam với giá trị giao dịch bán ròng của khối ngoại.
Cụ thể, khi chênh lệch nở ra thì khối ngoại bắt đầu bán ròng mạnh, đặc biệt sau sự kiện lợi tức TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên trên 5%. Đến thời điểm hiện tại, khi chênh lệch bắt đầu thu hẹp về 1% thì lượng bán ròng giảm đi đáng kể.
Sự chênh lệch giữa hai thị trường giảm đi và sức hút của thị trường Việt Nam bắt đầu tăng dần lên trong con mắt của nhà đầy tư nước ngoài. Ông Dương kỳ vọng, mức chênh lệch này sẽ tiếp tục thu hẹp và khối ngoại sẽ sớm quay trở lại trong thời gian ngắn.
Tương quanh giữa chênh lệch lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Việt Nam với giá trị giao dịch khối ngoại
Nguồn: VTC (HN:VTC) Money
|
Ngoài ra, nền lãi suất của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Nếu so sánh lãi suất tiết kiệm của nhóm ngân hàng quốc doanh thì trong giai đoạn tháng 4 - 6/2024, lãi suất ở các kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng quốc doanh hầu như không đổi, nhưng nhóm thương mại cổ phần ngoài quốc doanh lại nhích nhẹ.
Bên cạnh đó, khi so sánh quý 2/2024 với năm 2023, lãi suất cho đầu ra của các ngân hàng kể cả quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh đều có mức giảm đáng kể, từ bình quân 9.84% về 8.68%. Điều quan trọng hơn là chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu ra bình quân tính trên tất cả ngành nghề so với lãi suất TPCP 10 năm đã giảm từ 7.04% về 6.02% và đang trong xu hướng tiếp tục giảm, thể hiện sự cải thiện mạnh trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đây cũng là chỉ báo đánh giá sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam dưới góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài.
Nền lãi suất Việt Nam duy trì mức thấp
Nguồn: VTV Money
|
Theo ông Dương, trong bối cảnh nền lãi suất thấp, dư địa chính sách tiền tệ bắt đầu có, sức hút TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài cơ bản có sự phục hồi, do đó thị trường có khá ít rủi ro trong ngắn hạn.
P/E của VN-Index đang khoảng 14 lần, tương ứng bình quân 8 năm gần nhất, dù vậy vẫn tương đối hấp dẫn, nhất là khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng thấp kỷ lục như hiện tại, tức chênh lệch khoảng 7%.
Định giá và mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam
Nguồn: VTV Money
|
Huy Khải