Là công ty chuyên về sản xuất và xuất khẩu gạo, cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vẫn đang dò đáy mặc cho giá gạo trong nước và thế giới vượt đỉnh lịch sử. Giá gạo Việt vượt đỉnh trên thị trường xuất khẩu
Nhu cầu lớn từ thị trường quốc tế khiến giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên đỉnh mới 663 USD/tấn và là mức cao nhất thế giới hiện nay.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương Thực Việt Nam cho thấy giá gạo xuất khẩu liên tục tăng mạnh. Kết phiên 4/12, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 650 USD/tấn lên 663 USD/tấn. Mức này cao nhất từ trước đến nay (không tính năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu có lúc đạt 1.000 USD/tấn, nhưng khi đó Chính phủ ngừng xuất khẩu nên gần như không có thương nhân nào bán được giá này).
Tương tự, gạo Thái Lan từ dưới 600 USD/tấn cũng bật lên 625 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó. Với hàng Pakistan, trước đây chỉ quanh 500-550 USD/tấn, nay lên sát 600 USD/tấn.
Tổng hợp từ Hiệp hội Lương Thực Việt Nam |
Hiện giá gạo xay xát trong nước tiếp tục tăng 100-200 đồng so với tuần trước, lên 16.200 đồng/kg, gạo bán lẻ quanh 17.000-28.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo khảo sát tại chợ An Giang ngày 8/12 giá gạo thường duy trì ở mức cao, vào khoảng 17.000 - 18.500 đồng/kg.
Cổ phiếu TAR và giá gạo "chung đường khác hướng"
Là doanh nghiệp thuần về sản xuất và xuất khẩu gạo với 85,6% doanh thu nội địa và 14,4% doanh thu từ xuất khẩu, cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) đáng nhẽ phải được hưởng lợi lớn khi sản phẩm đầu ra liên tục tăng giá.
Tuy nhiên, cổ phiếu này liên tục dò đáy và rơi vào diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, chỉ tròn 4 tháng, thị giá cổ phiếu TAR đã giảm tới 65%, về đáy lịch sử.
Diễn biến giá cổ phiếu TAR. Theo: Fire Ant |
TAR - doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận chỉ vài tỷ, người thân lãnh đạo bán chui cổ phiếu
Theo đó, trong quý III/2023 nhờ thị trường gạo gặp thuận lợi, doanh thu thuần của Trung An đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã giúp Trung An lãi sau thuế 12,3 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Công ty cho biết một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng còn tới từ việc nhận được khoản cổ tức, lợi nhuận năm 2022 được chia từ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.
Tính đến hết tháng 9, Trung An đem về gần 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng lên mức 95 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay nên lãi sau thuế chỉ còn chưa đầy 13 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng năm trước.
Gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt bà Trương Khả Tú, người có liên quan đến bà Lư Lệ Trân - Thành viên HĐQT Trung An với số tiền hơn 431 triệu đồng do đã có hành vi "bán chui" cổ phiếu.
>> Nhận định chứng khoán 11-15/12: Các công ty chứng khoán đồng thuận cả xu hướng và điểm số