Vietstock - Những cổ phiếu rời sàn vì cơ cấu cổ đông quá cô đặc
Từ đầu năm 2024, thị trường đã xuất hiện nhiều mã cổ phiếu thông báo hủy niêm yết. Trong đó, một số cái tên rời cuộc chơi vì cổ đông lớn đã nắm gần như toàn bộ cổ phần, không còn đáp ứng quy định của một công ty đại chúng.
Để một công ty được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán cần tuân thủ khá nhiều quy định, từ vốn điều lệ, lợi nhuận sổ sách, lý lịch “sạch” (không bị xử phạt trong thời gian quy định), cho đến các yêu cầu về cơ cấu cổ đông và công bố thông tin… Ngoài ra, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để niêm yết hay đăng ký giao dịch là doanh nghiệp “phải là công ty đại chúng”, và riêng tiêu chí này cũng có khá nhiều quy định đi kèm.
Dù vậy, công sức bỏ ra xét cho cùng vẫn tương xứng với thành quả thu về. Các doanh nghiệp khi đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch có thể tăng độ nhận diện, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhờ sự minh bạch, cũng như tăng thanh khoản, dễ dàng huy động vốn và thu hút nhân sự chất lượng cao.
Có điều, lên sàn được, không có nghĩa sẽ giữ được vị thế ấy. Theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019, để trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong hai điều kiện. Một là, Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Thứ 2, Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo quy định tại khoản 1 Điều 16, Luật Chứng khoán năm 2019.
Và từ đầu năm 2024, có không ít doanh nghiệp dừng cuộc chơi trên sàn vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, với nguyên do cơ cấu cổ đông quá cô đặc.
Các doanh nghiệp rời sàn chứng khoán vì cơ cấu cổ đông cô đặc từ đầu năm 2024
|
CAV (HM:CAV) (CTCP Dây cáp điện Việt Nam) – con gà đẻ trứng vàng cho nhóm Gelex (HOSE: GEX (HM:GEX)) – sẽ chính thức hủy niêm yết từ ngày 18/7/2024, do đã bị hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của UBCKNN.
Thực tế, quyết định hủy niêm yết cổ phiếu CAV đã được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Doanh nghiệp, do cơ cấu cổ đông… "đặc như sữa đặc”. Cụ thể, theo danh sách chốt ngày 3/4/2024, chỉ có 3.54% vốn của các cổ đông nhỏ lẻ, còn GEX nắm tới 96.27% vốn, tương đương gần 55.5 triệu cp CAV (còn lại 0.19% là cổ phiếu quỹ).
Điện Trà Vinh (UPCoM: DTV) cũng dừng cuộc chơi tại UPCoM từ ngày 9/7/2024 vì cơ cấu cổ đông cô đặc, không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Theo báo cáo thường niên 2023, DTV có 3 cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Năng lượng REE (HM:REE) - công ty con 100% vốn của CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) - sở hữu 66.29% vốn điều lệ; CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA (HNX: IPA) nắm 20.43%; và CTCP Đầu tư Galax NH nắm 7.13%. Tổng cộng, nhóm cổ đông lớn sở hữu tới 93.84% vốn tại DTV.
Giống như CAV, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DTV cũng đã thông qua việc hủy tư cách đại chúng, hủy đăng ký giao dịch trên HNX và hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Một công ty khác thuộc nhóm Gelex là HEM (Chế tạo Điện Cơ Hà Nội) – sở hữu thông qua Thibidi (HM:THI) (CTCP Thiết bị Điện, THI) – rời sàn từ 17/5/2024. Chính Thibidi cũng đã hủy niêm yết vào tháng 7/2023 vì không đáp ứng cơ cấu cổ đông, khi GEE – công ty con của GEX đã nắm tới 91.39% vốn điều lệ tại đây.
Tương tự, BLW và RGC đều đã rời UPCoM trong nửa đầu năm 2024 do đã hủy tư cách công ty đại chúng với cùng nguyên nhân cơ cấu cổ đông quá đặc.
Riêng HGW (CTCP Cấp thoát nước - Công trình Đô thị Hậu Giang) chưa rời sàn, chỉ mới bị hủy tư cách công ty đại chúng từ 21/6/2024. Nguyên nhân do tính đến ngày 31/12/202, CTCP Đầu tư Xây lắp Miền Nam và UBND tỉnh Hậu Giang là hai cổ đông lớn tại HGW, với tỷ lệ sở hữu lần lượt 51.1% và 46.3%, tương đương tổng tỷ lệ 97.5%. Và với việc bị hủy tư cách công ty đại chúng, ngày HGW rời sàn có lẽ cũng không còn xa.
Khi cổ đông lớn nắm cổ phần vượt quá tỷ lệ quy định, doanh nghiệp sẽ không đạt tư cách công ty đại chúng và nhiều khả năng phải rời sàn nếu không giải quyết
|
Quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ được đảm bảo thế nào?
Các doanh nghiệp nêu trên, dù cổ đông lớn đã nắm hầu hết cổ phần, thực tế vẫn còn những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang giữ cổ phiếu. Nhìn vào bức tranh chung, giá trị cổ phần nhỏ có thể không nhiều, nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ lại rất có ý nghĩa. Như CAV vẫn còn “room” hơn 3.7% cho cổ đông nhỏ, tương đương với hơn 2.1 triệu cp. Với thị giá phiên 12/07 là 70,900 đồng/cp, số cổ phần trên có giá trị gần 150 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các lợi ích như cổ tức, bởi CAV vốn nổi tiếng là “con gà đẻ trứng vàng” của GEX, với tỷ lệ cổ tức chi trả 2 năm gần nhất vượt 100% mệnh giá.
Vậy khi hủy niêm yết, lợi ích của các cổ đông có được đảm bảo? Về điểm này, CAV đã từng giải đáp trong ĐHĐCĐ 2024. Theo đó, Doanh nghiệp cho biết CAV sẽ cấp lại sổ hoặc giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho cổ đông để đảm bảo việc sở hữu hợp pháp.
Trường hợp cổ đông có nhu cầu bán lại, cổ đông lớn GEX cam kết mua lại toàn bộ dưới dạng thương lượng thỏa thuận. Mức giá đàm phán sẽ được thống nhất tại thời điểm giao dịch, phù hợp với quy định pháp luật. Việc nhận cổ tức cũng tương tự, được chi trả theo đúng quy định pháp luật, nhưng chính sách chi trả sẽ phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh trong từng thời kỳ kinh doanh.
Năm 2023, khi thông báo hủy niêm yết, Thibidi cũng cho biết đã đề nghị và làm việc trước với GEE và được công ty mẹ cam kết sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu THI mà các cổ đông còn lại đang nắm giữ nếu có nhu cầu chuyển nhượng. Giá mua lại sẽ theo đàm phán và thống nhất giữa bên bán và bên mua tại thời điểm giao dịch, phù hợp với quy định pháp luật.
Nhìn chung, việc giữ cổ phiếu trên sàn được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có định hướng kinh doanh của Công ty và các cổ đông lớn. Tuy vậy, vẫn cần sự đảm bảo quyền lợi cho nhóm cổ đông nhỏ - những người đông về lượng nhưng “thấp cổ bé họng”, tiếng nói thường ít có giá trị trước quyết định được thông qua tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
Châu An