Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam khởi động với 3 tin tức chính: Lo ngại giá hàng hóa tăng theo giá xăng, dầu, các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kinh tế toàn cầu… Dưới đây là nội dung chính thông tin trong phiên giao dịch sáng thứ Tư ngày 3/11.
1. Lo ngại giá hàng hóa tăng theo giá xăng, dầu
Trước diễn biến giá xăng dầu trong thời gian gần đây tăng sốc, kéo theo đó là giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều biến động, có xu hướng tăng mạnh.
Đối với vận tải bằng xe khách, hiện nay các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 50% sau dịch. Khách ít nên các doanh nghiệp không thể tăng giá vé trong thời điểm này, vì thế nguy cơ lỗ của doanh nghiệp càng lớn. Còn với các hãng taxi, doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi, các hãng phải đăng ký kê khai giá, báo cáo với sở giao thông vận tải...
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Còn với xi măng, các doanh nghiệp cũng đua nhau điều chỉnh giá. Cụ thể, Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn (HN:BCC) (Thanh Hóa) tăng giá bán xi măng bao và rời lên 80.000 đồng/tấn từ ngày 20/10; công ty xi măng Chinfon (TP.Hồ Chí Minh) tăng giá bán xi măng PCB 40- PCB 50 là 100.100 đồng/tấn từ ngày 1/11; Cty xi măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương) tăng giá bán 50.000 đồng/tấn từ ngày 25/10…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng của năm nay tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu đã tác động làm tăng 0,98 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê ước tính CPI cả năm 2021 sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2%. Trong những tháng cuối năm, lạm phát có thể sẽ chịu tác động của một số yếu tố như giá xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực. Trong đó, giá nguyên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng.
2. Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông (34 dự án); hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế (24 dự án); hạ tầng năng lượng (7 dự án); hạ tầng công nghệ thông tin (9 dự án); hệ thống xử lý rác, nước thải (8 dự án); hạ tầng giáo dục và y tế (10 dự án); hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch (14 dự án); ngành nông, lâm, thủy sản (38 dự án); lĩnh vực sản xuất và dịch vụ (13 dự án).
Về hạ tầng giao thông có một số dự án đáng chú ý như dự án Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4 tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD; cảng biển tổng hợp Hòn Khoai 3,5 tỷ USD; đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng hơn 2,9 tỷ USD, tuyến đường sắt Thống Nhất 2,4 tỷ USD; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề) 2,2 tỷ USD...
Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế có một số dự án đáng chú ý như dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp phía bắc huyện Bến Lức 1,7 tỷ USD, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ một tỷ USD...
Đối với hạ tầng giáo dục và y tế có các dự án: Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên, ...
Trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, ngoài tên dự án còn có mục tiêu dự án, địa điểm thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư, hình thức đầu tư, địa chỉ liên hệ.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định; chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến danh mục.
3. Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kinh tế toàn cầu
Các chỉ số mới do Bloomberg Economics xây dựng đã nêu bật lên mức độ nghiêm trọng của vấn đề, sự thất bại trong việc tìm ra giải pháp nhanh chóng, và vì sao tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại một số khu vực vẫn đang tệ đi. Siêu thị với kệ hàng trống trải, cảng biển với tàu thuyền xếp hàng dài dằng dặc, hay nhà máy ô tô hoạt động cầm chừng vì thiếu chip. Quan trọng hơn hết là giá cả của gần như tất cả mọi thứ đều gia tăng. Các ngân hàng trung ương có thể phải rút lại nhận định lạm phát là "nhất thời" và phản ứng bằng các đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Khả năng này đặt ra mối đe dọa mới đối với cuộc phục hồi vốn đang chao đảo, và có thể làm xịt hơi bong bóng chứng khoán và bất động sản.
Đằng sau sự tắc nghẽn của hàng hóa là mớ bòng bong giữa hệ thống vận tải đang quá tải, thiếu hụt lao động tại các điểm trung chuyển chính, và nhu cầu lớn từ người tiêu dùng Mỹ. Vấn đề không chỉ nằm ở việc dịch chuyển hàng hóa, mà thế giới cũng đang phải vận lộn để sản xuất đủ hàng. Các nhà sản xuất hoàn toàn bất ngờ bởi sự phục hồi của năm nay sau khi họ giảm mạnh đơn hàng mua nguyên vật liệu vào năm ngoái, khi người tiêu dùng ngừng chi tiêu.
Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất giày cho Nike (NYSE:NKE) phải giảm sản lượng vì lao động quay trở lại quê nhà vì lo ngại COVID-19. Trung Quốc, công xưởng thế giới, đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới và phản ứng bằng các lệnh phong tỏa.
Kết hợp tất cả những yếu tố này, chỉ số nguồn cung của Bloomberg Economics cho thấy tình trạng thiếu hụt ở Mỹ vừa mới rơi xuống khỏi mức cao nhất trong 20 năm. Tương tự, thước đo dành cho Anh và khu vực đồng euro cũng ở mức cao nhất ngưởng.
Đối với những nhà sản xuất toàn cầu và người tiêu dùng chờ được giao hàng, câu hỏi quan trọng là: Bao giờ sự gián đoạn mới chấm dứt?