Vietstock - Lai lịch “tay to” Tuấn Lộc muốn bán hết 18 triệu cp SZG
Nhằm cơ cấu tài chính, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc) đăng ký bán hết 18 triệu cp đang sở hữu, tương đương 32.79% vốn CTCP Sonadezi Giang Điền (UPCoM: SZG).
Giao dịch thực hiện từ 27/06 đến 26/07 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Trong một năm qua, cổ phiếu SZG giao dịch không có nhiều biến động về giá khi giảm khoảng gần 10%. Thanh khoản cũng khá ít chỉ vài ngàn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Từ đầu năm 2024 tới nay, phiên có khối lượng giao dịch nhiều nhất là 21/05 với hơn 3.6 triệu cp được sang tay, trong đó có 3.6 triệu là từ giao dịch thoả thuận. Giá cổ phiếu SZG thời gian gần đây trong khoảng 30,000 – 33,000 đồng/cp.
Tạm tính theo giá bình quân ba tháng gần đây là 32,000 đồng/cp thì lượng cổ phiếu mà Công ty Tuấn Lộc đăng ký bán vào khoảng 576 tỷ đồng.
Ông Trần Hoài Nam – Ủy viên HĐQT SZG hiện là Giám đốc tài chính tại Công ty Tuấn Lộc. Được biết, ông Nam là Chủ tịch HĐQT SZG giai đoạn tháng 04/2022-12/2023.
SZG bắt đầu giao dịch UPCoM vào ngày 27/12/2021 với giá tham chiếu 11,800 đồng/cp. Trong bản cáo bạch niêm yết, Tuấn Lộc xuất hiện với vai trò là cổ đông lớn thứ hai nắm 18 triệu cp, chiếm tỷ lệ 32.79% vốn SZG, chỉ sau Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (UPCoM: SNZ (HN:SNZ)) nắm 46.45% vốn. Từ đó đến nay SZG chưa tăng vốn điều lệ lần nào.
Diễn biến cổ phiếu SZG từ khi lên UPCoM tới nay | ||
“Tay to” Tuấn Lộc là ai?
Tên gọi cũng như ngành nghề của đều liên quan tới xây dựng, thế nhưng Tuấn Lộc không phải là cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán, đây có thể xem là một “tay to” khi đầu tư lượng lớn cổ phần trị giá hàng trăm tỷ đồng ở loạt doanh nghiệp. Điểm chung của các thương vụ Tuấn Lộc đầu tư thường nắm giữ trong thời gian không quá dài, có doanh nghiệp chỉ một tháng và Tuấn Lộc cũng đưa người vào ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Gần đây nhất là thương vụ Tuấn Lộc bán 18.3 triệu cp (chiếm 17.17% vốn) CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD) vào tháng 12/2022 thông qua thoả thuận, ước tính số tiền thu về gần 540 tỷ đồng.
Vào tháng 03/2022, Tuấn Lộc đã bán gần 4.6 triệu cp CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP), thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Ủy viên HĐQT NAP là Phó Tổng Giám đốc tại Tuấn Lộc.
Giữa năm 2021, Tuấn Lộc bán thoả thuận hơn 20.8 triệu cp Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1), khi này, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên HĐQT CC1 là người đại diện phần vốn của Tuấn Lộc tại doanh nghiệp.
Hồi cuối 2020, Tuấn Lộc cũng bán 4.5 triệu cp VLB (HN:VLB) (tỷ lệ 9.62%) thông qua giao dịch thoả thuận. Xa hơn nữa vào tháng 07/2015, Tuấn Lộc nổi tiếng với thương vụ lãi 70 tỷ đồng chỉ sau 1 tháng lướt sóng cổ phiếu CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII (HM:CII)).
CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thành lập từ tháng 05/2008, ngành nghề chính là xây dựng công trình cầu đường; hiện có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ông Bùi Thái Hà làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Giai đoạn 2014-2022, Công ty liên tục tăng vốn điều lệ mỗi năm, cập nhật gần nhất đến cuối năm 2022 của Tuấn Lộc là 4,330 tỷ đồng.
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Mảng Xây dựng của Tuấn Lộc
Vào năm 2019, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và liên doanh 3 nhà đầu tư gồm: CTCP Đầu tư Cầu đường CII (thành viên của CII), CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và CTCP Đầu tư Xây dựng B.M.T cùng tham gia đầu tư dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 12.7 ngàn tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2,186 tỉ đồng, nguồn vốn BOT 10,482 tỉ đồng (vốn vay từ các ngân hàng thương mại 7,694 tỉ đồng).
Hồi năm 2016, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận hợp tác cùng CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Tuấn Lộc, CTCP An Phú để nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư trục đường Bắc - Nam (Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm) và khu đô thị Hiệp Phước theo hình thức đối tác công tư-PPP (Hợp đồng BT).
Ngoài ra, liên danh Công ty Tuấn Lộc và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 là nhà thầu cầu Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre, Trà Vinh) hơn 2.3 ngàn tỷ đồng; trong đó vốn của nhà đầu tư 1,264 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước 1,044 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành vào năm 2015.
Liên doanh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4, Công ty Tuấn Lộc và CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Trường Lộc, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100.
Tại Yên Bái, liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Tuấn Lộc là nhà thầu dự án Cầu Bách Lẫm 512 tỷ đồng.
Ở Nghệ An, Tuấn Lộc đầu tư xây dựng bến số 5, số 6, thuộc bến cảng Cửa Lò, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.
Thu Minh