Vietstock - Khối ngoại bán ròng 90 ngàn tỷ đồng trên HOSE, cổ phiếu Việt có thật sự hấp dẫn?
Mức độ và xu hướng thoái lui của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán thực sự đáng kinh ngạc, khi Việt Nam vẫn luôn tự hào là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển được xếp loại nhanh nhất châu Á và cả thế giới.
Kể từ tháng 4/2023 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã ròng rã bán ra cổ phiếu Việt.
Tại sàn HOSE, trong năm 2024, lượng bán ròng của khối ngoại tính tới ngày 20/11 đã lên đến 90.2 ngàn tỷ đồng, vượt xa bất kỳ giai đoạn lịch sử nào trước đây.
Thoái lui
Giá trị giao ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại HOSE kể từ 2019 đến nay Đvt: Ngàn tỷ đồng
Dữ liệu tính đến ngày 20/11/2024. Nguồn: VietstockFinance
|
Đà bán tháo của khối ngoại chủ yếu được quy kết cho lý do tỷ giá (rằng USD tăng giá trị so với VND (HM:VND)) và sâu xa hơn là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khởi xướng chu kỳ thắt chặt chính sách nhanh và mạnh nhất hàng chục năm để chống lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng hạ lãi suất để khuyến khích nền kinh tế.
Trong năm 2024, giai đoạn từ ngày 16/9 đến 3/10 khi tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và giữ bình ổn ở vùng dưới 24,600, khối ngoại đã có dấu hiệu quay lại, cụ thể mua ròng gần 1.8 ngàn tỷ đồng. Nhưng ngay sau đó, họ tiếp tục bán ròng mạnh cùng lúc tỷ giá tăng nóng trở lại.
Tình huống rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, cũng hòa trong bối cảnh giới chuyên gia cùng đồng tình: USD mạnh lên, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho các nước khác, đặc biệt nhóm nước ở thị trường mới nổi và cận biên.
"Đồng USD là tiền tệ của chúng tôi, nhưng là vấn đề của các bạn” - là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally vào năm 1971, khi ông tự tin vào vị thế của USD trong nền kinh tế toàn cầu và sự tác động mạnh mẽ của nó đối với các quốc gia khác.
Bối cảnh hiện hữu so sánh với 50 năm trước dù có nhiều khác biệt, nhưng hàm ý của ông Connally vẫn mang giá trị vào ngày nay.
Nhưng đồng bạc xanh là tất cả lý do của làn sóng khối ngoại bán ròng?
VND mất giá làm ảnh hưởng đến hiệu quả tham gia thị trường tính theo đồng USD của các nhà đầu tư nước ngoài, như quỹ AFC Vietnam Fund mới đây có nêu lên thực trạng này. Cộng với việc tài sản được định giá bằng USD tại Mỹ, tiêu biểu là các cổ phiếu công nghệ, trở nên hấp dẫn càng thôi thúc sự tính toán lại của những tay chơi xuyên biên giới.
Khu chợ cổ phiếu tràn ngập các ngành kinh tế truyền thống của Việt Nam (tỷ trọng lớn nhất là ngành ngân hàng, bất động sản) dường như thiếu sức hấp dẫn khi so sánh với cơ hội tham gia vào tương lai (như trí tuệ nhân tạo - AI) ở một thị trường phát triển.
Mặc cho Việt Nam vẫn nhận nhiều lời khen từ quốc tế về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tài sản là các cổ phần niêm yết hàng đầu rõ ràng đang không được ưa chuộng. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài minh chứng cho điều đó.
Trong năm 2024, Vinhomes (HM:VHM) - ông lớn ngành bất động sản hùng mạnh - bị khối ngoại bán ròng. FPT (HM:FPT) - đầu tàu của ngành công nghệ quốc gia - bị bán ròng. HPG (HM:HPG) - người khổng lồ công nghiệp nặng - cũng bị bán ròng. Hay như tập đoàn tiêu dùng MSN (HM:MSN) cũng bị bán ròng mạnh.
Trước đó, trong năm 2023, đại gia bán lẻ MWG (HM:MWG) chứng kiến làn sóng thoái lui của nước ngoài, bao gồm cả cổ đông lớn. MWG từ một cổ phiếu “yêu thích” được khối ngoại giao dịch nội khối với premium cao hơn thị giá đến 30-40% thì nay đã hở room ngoại.
Làn sóng bán ròng lan rộng, khiến các cổ phiếu kín room ngoại từng rất được ưa thích mất đi sức hút đáng kể. Quỹ mô phỏng chỉ số VN Diamond là FUEVFVND chứng kiến giá trị bán ròng 7.2 ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, tính đến ngày 20/11.
Cơ hội đầu tư tại những doanh nghiệp tầm cỡ nhất Việt Nam dường như không thỏa mãn nhu cầu khối ngoại.
Và trong khi những Bluechip vang bóng đang mất sức hút, thì một vấn đề nữa là kể từ năm 2019 đến nay, thị trường cổ phiếu Việt cũng thiếu đi hàng hóa mới để hút khách.
Chưa xét đến khía cạnh chất lượng, một thống kê được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) công bố gần đây cho thấy: số lượng doanh nghiệp niêm yết gần như đã đi ngang trong 5 năm qua.
Đi ngang 5 năm
Số lượng doanh nghiệp niêm yết và UPCoM tại ngày 30/09 hàng năm, giai đoạn từ 2016 đến 2024 Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo đánh giá về Quản trị công ty cho Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2024 - HOSE
|
Khó có thể gán sự rút lui của nhà đầu tư ngoại hoàn toàn do bối cảnh bên ngoài, bởi nếu triển vọng tương lai của doanh nghiệp niêm yết trong nước đủ hấp dẫn thì biết đâu họ vẫn nhún vai với những khoản lỗ tỷ giá vừa phải ở mức 4-5%.
Thật may, “mực nước” tại thị trường chứng khoán lúc này vẫn đang được giữ, nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đối ứng làn sóng rút ròng của khối ngoại. Dù rằng, xu hướng này cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong tương lai, vào những thời điểm mà “ngoại vẫn bán và nội cũng chán”.
Vào năm 1971, Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally nổi tiếng với phát biểu về đồng USD, khi đang tham gia các cuộc đàm phán về việc Mỹ rút khỏi hệ thống Bretton Woods (một hệ thống tiền tệ quốc tế được thiết lập sau Thế chiến II, trong đó đồng USD được gắn với vàng). Phát biểu này phản ánh sự tự tin của Mỹ khi quyết định ngừng trao đổi USD với vàng (vào năm 1971). Sự việc đã làm xáo trộn hệ thống tiền tệ toàn cầu và các quốc gia khác phải đối mặt với thay đổi lớn trong cách thức giao dịch và quản lý dự trữ ngoại tệ. |
Thừa Vân