Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam khởi động tuần mới với những tin tức đáng chú ý: Giá thép phế liệu đã leo lên mức cao nhất trong 13 năm bởi nhu cầu trên toàn cầu có xu hướng tăng, cổ phiếu ngành sợi hưởng lợi gì từ hàng rào thuế chống bán phá giá gần 55%?… Dưới đây là nội dung 2 thông tin chính trong phiên giao dịch hôm nay thứ Hai ngày 8/11.
1. Giá thép phế liệu tăng theo nhu cầu lên mức cao nhất trong 13 năm
Nhu cầu tăng cao đang đẩy giá phế liệu sắt lên mức cao nhất trong 13 năm do các nước xuất khẩu kim loại phế liệu đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu, bao gồm cả việc áp thuế xuất khẩu. Mặc dù giá tăng vọt song nhu cầu có vẻ sẽ vẫn tiếp tục tăng hơn nữa khi các chính phủ đang thúc đẩy các nhà sản xuất cùng thực hiện các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng của họ. Các nhà phân tích cảnh báo về một cuộc khủng hoảng thép phế liệu nếu các chính phủ áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế xuất khẩu.
Các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc, dẫn đầu là POSCO, Hyundai Steel và Nhà máy thép DongKuk, hiện đang tranh giành nhau để để có được nguồn thép phế liệu từ Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Với nhu cầu mạnh mẽ như vậy, giá phế liệu thép nhập khẩu từ Nhật Bản vào Hàn Quốc hiện đạt trung bình gần 70.000 yên (615 USD)/tấn. Giá thép phế liệu tan chảy nặng A (heavy melting scrap A) – tham chiếu cho thị trường phế liệu châu Á, đã tăng lên 605.000 won (510 USD)/tấn trong tuần đầu tiên của tháng 11, tăng 94% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, giá thép phế liệu vượt mốc 600.000 won. Riêng trong tháng 10, giá thép tái chế đã tăng 14%.
Nhu cầu và giá thép phế liệu có cơ hội tăng hơn nữa. Hàn Quốc tự chủ được 85% phế liệu thép, phần còn lại hàng năm nhập khẩu từ 4 triệu đến 6 triệu tấn phế liệu kim loại từ các nước như Nga, Nhật Bản và Mỹ. Hiện các nhà đầu tư và giới phân tích đều có chung quan điểm là giá thép tái chế dự kiến sẽ tăng thêm nữa và vượt mốc 670.000 won do các chính phủ đang đẩy nhanh những nỗ lực chính sách để đạt được mục tiêu không còn khí phát thải. Vì quá trình sản xuất thép bị cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, các nhà sản xuất thép toàn cầu, bao gồm Nippon Steel Corp. và ArcelorMittal S.A., đã mở rộng công suất của các lò điện - sử dụng phế liệu kim loại để sản xuất thép – nhằm giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt. Đối với POSCO, nhà sản xuất thép số 1 của Hàn Quốc, thép tái chế chiếm 20% nguyên liệu thô được sử dụng trong các lò nung tại nước này trong năm nay, so với 15% của năm trước, và kế hoạch sẽ tăng lên 30% vào năm 2025.
Nguồn cung hạn chế. Nguồn cung thép phế không đủ đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Phế liệu thép được lọc ra từ các thiết bị gia dụng phế thải và ô tô phế liệu và vật liệu xây dựng. Ủy ban Kinh tế Á - Âu, do Nga dẫn đầu, đã xem xét thực hiện lệnh cấm xuất khẩu phế liệu sắt kể từ tháng 6 năm ngoái, khi tăng thuế xuất khẩu thép phế liệu từ 15 euro lên 70 euro/tấn. Trung Quốc cho đến năm ngoái đã coi thép phế liệu như rác và cấm nhập khẩu, nhưng năm nay đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu. Quốc gia này đồng thời cũng công bố kế hoạch tăng tỷ lệ tự cung cấp phế liệu kim loại lên mức 90% vào năm 2025. Giá thép tăng đã đẩy các nhà xây dựng vào thế khó, do chính phủ phải chịu áp lực giữ giá nhà ở ổn định. Đồng thời, giá thép phế tăng dự báo cũng sẽ tạo ra một hiệu ứng ‘gợn sóng’ ở một loạt các ngành công nghiệp từ ô tô, đóng tàu đến hàng điện tử. Phế liệu sắt ngày nay được sử dụng rộng rãi để sản xuất không chỉ thanh và dầm thép cho ngành xây dựng, mà còn cả thép tấm và thép tấm được sử dụng cho xe cộ và tàu thuyền.
2. Cổ phiếu ngành sợi hưởng lợi gì từ hàng rào thuế chống bán phá giá gần 55%?
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT ngày 13/10/2021 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ là 54,9%; Indonesia là 21,94%; Malaysia là 21,23%; Trung Quốc từ 3,36% - 17,45%. Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Hàng rào thuế được dựng lên với mức từ 3,36% - 54,9% với sợi từ các nước này đã "cứu sống" ngành sợi trong nước. Đây là động lực, được giới đầu tư tài chính đánh giá rằng là "liều thuốc" rất cần để cổ phiếu ngành sợi hồi sinh. Những doanh nghiệp được hưởng lợi chính là các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may có quy trình khép kín từ sợi và những doanh nghiệp ngành sợi.
- Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định (NDT) có chuỗi tăng giá mạnh những ngày cần đây, tính từ đầu tháng 10, NDT đã tăng từ 25.000 đồng lên mức 40.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên hôm nay, tương ứng mức tăng giá 60%. NDT chưa công bố báo cáo kinh doanh quý 3. Quý 2/2021 NDT lãi 20,27 tỷ đồng, công ty giải thích là do tình hình kinh doanh tốt lên của công ty mẹ và các công ty con. Doanh thu quý 2 của NDT đạt 323 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ so với cùng kỳ.
- CTCP Sợi Thế Kỷ (HM:STK) cũng có đà tăng giá khá những ngày qua, từ 49.000 đồng đầu tháng 10 tăng lên 60.900 đồng/cổ phiếu chốt phiên 5/11, tăng giá 24%. Tuy vậy, kết quả kinh doanh quý 3/2021 chưa có nhiều đột biến khi doanh thu của công ty giảm 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ do những tác động của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh.
- CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HM:FTM) cũng có chuỗi tăng trần ấn tượng hưởng ứng quyết định áp thuế chống phá giá với xơ sợi. Theo đó, FTM tăng từ vùng 3.800 đồng đầu tháng 10 lên mức 5.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên 5/11. Trong quý 3 sản xuất kinh doanh đã hồi phục, nhà máy vận hành ổn định, phục hồi được 50% sản lượng nhà máy số 2 và số 5. Qua đó doanh thu quý 3 của công ty tăng từ 4,9 tỷ đồng lên mức 88,4 tỷ. Mức lỗ của doanh nghiệp cũng giảm dần xuống -37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, công ty vẫn lỗ 49,2 tỷ.
- Tổng Công ty Việt Thắng (HM:TVT) tiền thân là nhà máy dệt nhuộm Việt Mỹ. Công ty có truyền thống hoạt động xơ sợi. Gần đây, cổ phiếu của công ty đã hồi sinh cùng quyết định áp thuế, với đà tăng 17,5% từ đầu tháng 10. Chốt phiên ngày 5/11, TVT đóng cửa ở mức 32.900 đồng/cổ phiếu, PE của doanh nghiệp khá thấp chỉ 7 lần. Song cổ phiếu TVT có thanh khoản khá thấp.
Theo các chuyên gia tài chính, kết quả áp thuế chống bán phá giá sẽ được phản ánh từ năm 2022 trở đi khi các hoạt động kinh doanh được phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hiệu lực của quyết định áp thuế tới 5 năm.