Vietstock - Gần 24% hồ sơ tách thửa đất ở Gò Vấp có sai sót
Chọn mẫu ngẫu nhiên, Thanh tra thành phố phát hiện gần 24% hồ sơ tách thửa ở quận Gò Vấp có sai sót.
Nội dung trên được nêu trong kết luận của Thanh tra TP HCM về trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Gò Vấp liên quan các nội dung tiếp công dân, khiếu nại, cải cách hành chính, quản lý đất đai.
Cụ thể, năm 2022-2023, quận Gò Vấp xử lý hơn 2.000 hồ sơ tách thửa. Thanh tra TP HCM đã chọn ngẫu nhiên 407 hồ sơ và phát hiện có 96 hồ sơ có sai sót, chiếm tỷ lệ 23,58%.
Theo cơ quan Thanh tra TP HCM, Quyết định 60/2017 (hiện đã được thay thế bằng Quyết định 100) cho phép ở khu vực nội thành, diện tích tách thửa tối thiểu là 36 m2. Với các trường hợp khó khăn, người nghèo, thành phố cho phép diện tích nhỏ hơn tuy nhiên phải có hội đồng thẩm định, đánh giá.
Một phần quận Gò Vấp, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tại quận Gò Vấp, cơ quan thanh tra cho rằng UBND phường xác nhận hoàn cảnh khó khăn để làm cơ sở xem xét, giải quyết tách thửa dưới chuẩn chỉ dựa trên đơn trình bày với người dân, một số trường hợp có điện thoại với tổ dân phố. Việc địa phương không kiểm tra, xác minh để đảm bảo đúng đối tượng là chưa đúng quy định.
Ngoài ra, quận đã cho phép tách thửa nhưng mặt tiền sau khi tách nhỏ hơn 3 m hoặc đất nông nghiệp có diện tích sau khi tách nhỏ hơn 500 m2.
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) lần đầu, Thanh tra TP HCM chọn ngẫu nhiên 136 trong gần 2.900 hồ sơ thì phát hiện có 61 hồ sơ sai sót, chiếm tỷ lệ 44,85%.
Các sai sót được cơ quan này chỉ ra gồm phường không thể hiện được việc đã tổ chức lấy ý kiến người dân cùng cư trú về thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu được cấp giấy; Có trường hợp người được lấy ý kiến có năm sinh sau thời điểm cần lấy ý kiến...
Ngoài ra, UBND quận Gò Vấp đã công nhận quyền sử dụng đất đồng thời cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (phần lớn đất có diện tích nhỏ dưới 10 m2) trong khi các trường hợp này không đăng ký nhu cầu sử dụng đất, không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt.
Thanh tra TP HCM cũng xác định trong hai năm 2022-2023, địa phương đã chậm giải quyết hơn 3.600 hồ sơ đất đai. Theo lý giải của quận, việc giải quyết trễ hạn này do người dân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhân sự chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không đáp ứng kịp, phần mềm VBDlis mới triển khai nên còn nhiều hạn chế...
Trước các sai sót này, Thanh tra TP HCM kiến nghị xử lý các cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót và rà soát lại hồ sơ, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khắc phục tình trạng làm chậm hồ sơ của người dân.
Lê Tuyết