Theo Dong Hai
Investing.com – Nhận định từ Chứng khoán Dầu khí (HN:PSI) đối với ngành Thép cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thép trong năm 2024 tiếp tục kìm hãm đà phục hồi. Sức tiêu thụ trong nước còn yếu, dù có cải thiện về cuối năm nhưng chưa đủ để kéo ngành thép trở lại đà tăng trưởng.
Sau 11 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt 25.0 triệu tấn (- 7.8% YoY) trong khi tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23.7 triệu tấn (- 5.6% YoY).
Điểm sáng đến từ sản lượng xuất khẩu thép, nhất là mặt hàng HRC (HM:HRC) đã bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ nội địa trong năm qua. Việc tìm kiếm được các thị trường tiềm năng như EU, đặc biệt trong Quý 2 khi thị trường ASEAN trở nên trầm lắng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được tệp khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép trên thế giới nhìn chung còn yếu, đồng thời cho thấy sự linh hoạt trong khả năng thích ứng của các doanh nghiệp.
Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 9.14 triệu tấn thép sau 10 tháng đầu năm (+ 30.74% YoY) trong đó ASEAN và EU vẫn là hai thị trường chủ lực với tỷ trọng lần lượt là 31.46% và 24.12%
Biến động giá thép bán ra do nguyên vật liệu đầu vào. Khả năng tiêu thụ thấp khiến việc tăng giá bán thép của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tâm lý nghi ngại của người dùng cuối. Do vậy, xu hướng giá thép bán ra chủ yếu phụ thuộc vào biến động giá quặng sắt, than cốc, để điều hòa biên lợi nhuận gộp. Quặng sắt, than cốc trải qua một năm khó lường.
Trong nửa đầu năm, khả năng tiêu thụ bị hạn chế khiến giá của cả 2 mặt hàng suy giảm rõ rệt. Nhiều nhà máy quặng sắt hay các mỏ than rơi vào tình trạng thua lỗ, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên trong nửa cuối năm, giá quặng và than đều đã tăng trở lại do các nguyên nhân: Lệnh hạn chế sản xuất thép của Trung Quốc ở mức tương đương năm 2022, nguồn cung được kiểm soát chặt chẽ. Các chính sách tiền tệ, gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp Bất động sản.
PSI cho rằng ngành thép vẫn cần thêm thời gian cho sự phục hồi sau khủng hoảng, đặc biệt là khả năng tiêu thụ nội địa. Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép như thép xây dựng hay HRC vẫn sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngành thép đã đi qua vùng đáy, cần một cú hích về khả năng tiêu thụ nội địa để tiến tới giai đoạn phát triển trong chu kỳ mới của ngành.
Bên cạnh đó, một số nhận định về các doanh nghiệp đầu ngành:
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HM:HPG)
- Vị thế đầu ngành giúp HPG có khả năng định giá bán thép tốt hơn các công ty khác, qua đó chủ động tối ưu hóa biên lợi nhuận gộp.
- Có khả năng xuất khẩu thép xây dựng, HRC sang các thị trường nước ngoài như Mỹ, EU,…
- Chu trình sản xuất khép kín giúp HPG tối ưu các chi phí phát sinh.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HM:HSG)
- Hưởng lợi từ việc xuất khẩu tôn mạ. HSG hiện dẫn đầu thị trường về khả năng tiêu thụ mặt hàng này.
- Lượng hàng tồn kho HRC của HSG đang có nền giá thấp. Giá HRC đang có xu hướng tăng trở lại do giá quặng và than dần hồi phục, sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng hạ nguồn như tôn mạ, đồng thời tạo ra cơ hội trading HRC cho công ty
CTCP Thép Nam Kim (HM:NKG)
- Hưởng lợi từ việc xuất khẩu thép HRC nhờ mức chênh lệch giá bán tại Bắc Mỹ và Việt Nam, và sản phẩm hạ nguồn như ống thép, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
- Giá HRC đang có xu hướng tăng trở lại do giá quặng và than dần hồi phục, sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng hạ nguồn như ống thép.
- Việc triển khai nhà máy thép Nam Kim Phú Mỹ (trị giá 4,500 tỷ đồng) sẽ được đẩy mạnh trong năm 2024, nâng công suất thép của NKG lên 400,000 tấn mỗi năm.
Chiều ngược lại, cũng có những rủi ro chung của ngành: Khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa có khả năng hồi phục chậm trong năm 2024. Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc vào tình hình nhu cầu thép trên thế giới. Giá bán thép, HRC, tôn mạ, ống thép, và các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc,… thường rất khó lường, chịu tác động lớn bởi cung cầu trên thị trường.