Tại vùng giá gần 190.000 đồng/cp, ROS (HM:ROS) với tư cách là một cổ phiếu VN30 đã giúp khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng vượt mức 50.000 tỷ đồng - gần tương đương vốn hóa của cả ngân hàng BIDV (HM:BID) trong cùng thời điểm. Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán bất ngờ xướng tên ông Trịnh Văn Quyết với vị thế là người giàu nhất Việt Nam sau khi vượt qua Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (HM:VIC) Phạm Nhật Vượng.
ROS với hành trình tăng giá thần tốc từng giúp ông Trịnh Văn Quyết vươn lên trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt |
Ngay từ lần đầu tiên niêm yết, giá cổ phiếu ROS đạt 12.600 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng bất thường lên 126.000 đồng vào ngày 25/11/2016, tương ứng tăng gấp 10 lần chỉ trong khoảng 3 tháng lên sàn. Thời điểm này, FLC Faros chính thức chen chân top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thời điểm tháng 5/2017, khi ông Trịnh Văn Quyết chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu ROS liên tục được "thổi giá" và lập kỷ lục giá mới (có thời điểm chạm ngưỡng 187.000 đồng/cổ phiếu). Tại vùng giá này, ROS với tư cách là một cổ phiếu VN30 đã giúp khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng vượt mức 50.000 tỷ đồng - gần tương đương vốn hóa của cả ngân hàng BID trong cùng thời điểm.
6 tháng kể từ thời điểm ra mắt thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu ROS đã tăng tới 2.072%. Mã cũng tạo ra kỷ lục trên sàn chứng khoán khi sở hữu đà tăng 35 phiên liên tiếp.
Khi đó, FLC Faros xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE với 75.465 tỷ đồng - vượt mặt Vietinbank (HM:CTG) (66.649 tỷ đồng), BIDV (56.067 tỷ đồng) hay Tập đoàn Masan (HM:MSN) (49.572 tỷ đồng).
7 năm sau...
Cùng với câu chuyện ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngay đầu năm 2022 kéo theo đó là những vi phạm bí ẩn trong quá khứ, nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC (bao gồm cả ROS) cũng lâm vào cảnh "thuyền chìm". Năm 2020, có thời điểm cổ phiếu ROS giảm còn 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).
Nhà đầu tư không thể hình dung về việc một cổ phiếu giá chưa mua nổi một cốc trà đá hiện nay (khoảng 3.000 đồng) từng chễm chệ trong rổ VN30 cùng vị thế doanh nghiệp có vốn hóa Top 6 thị trường.
>> Ông Trịnh Văn Quyết: 'Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng', tài sản của tôi đều là chính đáng
Ngày 5/9/2022, gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS chính thức rời sàn HoSE khi nhận án hủy niêm yết. Đáng nói, với những vi phạm quá khứ về nâng khống vốn điều lệ, đến nay số cổ phiếu này vẫn chưa được chấp thuận trên sàn UPCoM. Trong khi đó, hàng nghìn tỷ đồng vốn góp của cổ đông vẫn chưa thể thu hồi.
Trong khoảng thời gian 7 năm, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV đi lên từ dưới mệnh giá (9.x đồng/cp) và hiện giao dịch gần mốc 54.000 đồng. 3 phiên tăng giá gần nhất, mỗi phiên BID đều thiết lập các mức đỉnh giá mới. Mức tăng 5,7 lần sau 7 năm cũng giúp BIDV xây chắc ngôi vị số 2 về vốn hóa với hơn 306.000 tỷ đồng - chỉ xếp sau Vietcombank (HM:VCB) (gần 500.000 tỷ đồng).
Diễn biến giá cổ phiếu BID |
Tính đến cuối năm 2023, BIDV có tổng cộng khoảng 1.100 "điểm" làm việc - nhiều nhất toàn hệ thống. Đây cũng là 1 trong 4 ngân hàng TMCP hiện diện khắp 63 tỉnh thành.
Với số lượng "khủng" các chi nhánh và phòng giao dịch, BIDV đang tạo công việc cho gần 30.000 cán bộ nhân viên - là ngân hàng có số nhân viên nhiều nhất. Năm qua, nhà băng này "kết nạp" thêm hơn 1.500 nhân sự.
>> Cổ phiếu BID tiếp tục phá đỉnh, nhà đầu tư nên giao dịch thế nào?