Vietstock - Chuyên gia NHSV: VN-Index tăng tích sẽ tích cực trong 8 tháng đầu năm
Trong chương trình Vietstock Live tháng 01/2024 với chủ đề "Nhận diện cơ hội đầu tư năm 2024” diễn ra ngày 25/01, chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) đánh giá diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ có diễn biến tương tự năm trước, vùng đỉnh kỳ vọng của VN-Index là 1,300 – 1,360 điểm.
Ảnh chụp màn hình
|
Theo ông Phạm Hải Hoàng, CFA - Trưởng phòng Phân tích NHSV, đường đi của VN-Index trong năm nay sẽ tương tự như năm 2023: tăng tích cực trong 6-8 tháng đầu năm, giảm mạnh trong 2 tháng tiếp theo và hồi phục trong những tháng cuối năm; và kết thúc năm 2024 với mức kỳ vọng quanh 1,250 điểm, tức tăng khoảng hơn 100 điểm so với 2023.
“Đỉnh của con sóng lần này, tôi kỳ vọng rơi vào khoảng 1,300 – 1,360 điểm, nếu nhìn lại từ sau giai đoạn giảm của năm 2022 đến nay và nhìn rộng ra khoảng 10 năm, VN-Index vẫn đang là một đồ thị đi lên, tức là uptrend”, ông Hoàng nói thêm.
Vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng các nhà đầu tư nên hành động quyết liệt hơn do tính đầu cơ của thị trường trong vài năm qua là rất lớn: “Lúc mua thì mua quyết liệt, nắm giữ và nếu có những dấu hiệu xấu thì cũng phải quyết liệt bán ra cắt lỗ. Như năm 2023, mặc dù thị trường tăng điểm, nhưng giai đoạn giảm điểm của tháng 10 cũng rất khủng khiếp”.
Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn từ quý 2 đến quý 3, khi các giải pháp về nâng hạng đang rất quyết liệt. Năm 2024 cũng là năm bản lề của năm 2025, với kỳ vọng nâng hạng từ Chính phủ. Chính vì vậy, các yếu tố nâng hạng sẽ được nói rất nhiều và cũng là từ khóa năm nay.
Lãi suất là yếu tố chính cần quan sát trong năm 2024
Trong số các yếu tố vĩ mô (áp lực lãi suất, tỷ giá và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp), vị chuyên gia của NHSV cho rằng lãi suất sẽ là yếu tố rủi ro hơn.
Ông Hoàng phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng thêm lãi suất, còn lãi suất Việt Nam đang ở vùng rất thấp, chênh lệch giữa hai lãi suất này gần như không thể tăng thêm, mà chỉ thu hẹp. Do đó, áp lực tỷ giá sẽ không là một mối bận tâm trong năm nay.
Mối bận tâm lớn hơn là lãi suất đang quá thấp. Ông kỳ vọng từ tháng 6 đến tháng 9 khi nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn hơn, hệ thống ngân hàng cho vay ra bên ngoài thì lãi suất có thể được tăng trở lại.
Câu chuyện trái phiếu không còn nhiều ý nghĩa, đã rất cũ, các công ty bất động sản chưa thể giải quyết được các vấn đề trái phiếu trong năm nay.
Định giá hấp dẫn cho dài hạn
Bàn về định giá, ông Hoàng nhận xét thị trường hiện nay vẫn hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Theo quan sát của ông, những năm thị trường giảm như 2018 và 2022, thì 3-4 năm sau đó đều tăng điểm.
Như vậy, tính từ năm 2022, thì 4 năm sau, tức là năm 2026 thị trường được kỳ vọng tạo đỉnh, trước đó là con sóng nâng hạn năm 2025. “Tôi nghĩ 2024-2025 vẫn là 2 năm tốt của chứng khoán”, ông Hoàng cho hay.
Về mặt số liệu, P/E hiện tại của thị trường đang vào khoảng 14.3 lần.
Có 2 cách so sánh, một là so sánh với P/E trung bình của 5 năm gần nhất vào khoảng 15.8 lần, thì P/E hiện tại thấp hơn con số này 10%; cách hai là so sánh với lãi suất, với lãi suất hiện tại của các ngân hàng nhà nước rơi và khoảng 5% cho kỳ hạn 1 năm, như vậy P/E kỳ vọng của thị trường rơi vào khoảng 20 lần.
Nhìn về kỳ vọng năm nay, ông Hoàng nói lấy P/E trung bình 5 năm làm mốc là 15.8, thì giá hợp lý của thị trường hiện tại sẽ tăng khoảng 10% so với mốc hiện tại quanh 1,160 điểm, tức khoảng 1,270 điểm.
“Chúng ta phải hiểu rằng, thị trường không bao giờ đi ngang ngưỡng phù hợp mãi mà luôn luôn biến động, đặc biệt là những thị trường cận biên như Việt Nam thì biến động càng lớn. Lúc giảm thì giảm rất sâu xuống dưới ngưỡng phù hợp đó, còn lúc tăng thì cũng tăng hơn ngưỡng phù hợp này rất nhiều”, ông lưu ý.
Khối ngoại sẽ không bán ròng mạnh
Vị chuyên gia cũng tin rằng khối ngoại sẽ không bán ròng mạnh như năm 2023. Do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang thấp dần, nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài gửi tiết kiệm hay đầu tư không còn cao nữa. Và tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài sau 3 năm bán rất mạnh (2020, 2021, 2023) đã giảm từ 20.9% năm 2019, xuống hiện tại khoảng 18.4%.
“Chỉ cần đầu tư theo phương pháp và chiến lược của chúng ta, không cần quan tâm khối ngoại lắm”, ông nói. Những năm khối ngoại bán ròng mạnh đều là những năm tích cực của TTCK Việt Nam, ngược lại, năm khối ngoại mua là năm giảm điểm mạnh.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ hồi phục trong năm 2024
Ông Hoàng cũng đánh giá 2024 sẽ là năm bản lề để lợi nhuận doanh nghiệp (EPS) tăng lên, chủ yếu từ nhóm ngân hàng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận ngân hàng chiếm khoảng 56% tổng lợi nhuận trên sàn HOSE và lợi nhuận của ngành gần như đi ngang trong năm qua, chỉ tăng nhẹ 0.6%. Vị chuyên gia nhận định, những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2023 đang diễn biến trái ngược trong năm 2024.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất quyết liệt giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm 2023 rất thấp.
Thứ hai, kỳ vọng mức NIM trong năm 2024 sẽ cải thiện, giúp lợi nhuận tăng tốt. Chỉ tiêu này đã giảm trong năm ngoái, nguyên nhân lớn là vào cuối 2022, NHNN đã tăng 4 lần liên tiếp lãi suất, kéo theo các ngân hàng thương mại cũng tăng lãi suất huy động. Còn cuối năm 2023 và 2024 thì ngược lại, lãi suất huy động các ngân hàng thấp hơn, thậm chí ở mức rất thấp. Do đó, kỳ vọng chi phí vốn huy động thấp hơn sẽ giúp NIM cải thiện.
Các nhóm ngành khác như chứng khoán cũng được nhận định là tích cực. Khi thị trường tốt lên thì giao dịch, số dư margin hay hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán cũng sẽ tích cực hơn.
Tương tự với nhóm thép, khi sản lượng và giá bán đã nhích tăng dần.
Ngành bất động sản có thể chưa thể cái thiện nhanh được, nhưng mức nền lợi nhuận năm 2023 rất thấp, nên có thể kỳ vọng về một sự lột xác, dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi của ngành trong năm 2024.
Kha Nguyễn