Vietstock - Chứng khoán tháng 3 vẫn tích cực?
Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ, củng cố cho kỳ vọng lạc quan của thị trường trong tháng 3/2023 cũng như xu hướng trong dài hạn.
TTCK vẫn còn tốt để đầu tư, VN-Index hướng đến vùng kháng cự cao hơn tại 1,280 – 1,300 điểm trong tháng 3
Ông Nguyễn Thành Trung, CFA - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công (TCSC) đưa ra hai phân tích trong cả ngắn và dài hạn, qua đó cho thấy TTCK vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
Về ngắn hạn, ông Trung nhận định thị trường vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu rủi ro.
Về trung - dài hạn, ông Trung xem xét trên 3 yếu tố: thanh khoản, định giá và các sự kiện bất ngờ hay còn gọi là “thiên nga đen”.
Nguyễn Thành Trung, CFA - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư TCSC
|
Thanh khoản từ đầu năm đến nay được nhận định là tích cực, một số phiên lên đến 1.5 tỷ USD và trung bình vượt 20 ngàn tỷ kể từ sau Tết âm lịch. Nguyên nhân do một số tài sản đầu tư hiện tại không quá hấp dẫn.
Chẳng hạn, tiền gửi ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước, kỳ hạn 1 năm từ 4-5%. Ở thị trường bất động sản, dù có những thời điểm phục hồi vào cuối năm trước, nhưng hầu hết nhà đầu tư chưa có tâm lý lạc quan. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng về kênh trái phiếu. Còn kênh vàng, sự hấp dẫn cũng giảm bớt do giá đã quá cao, có lúc vượt 80 triệu đồng/lượng.
Về mặt định giá, thì dù thị trường đã tăng khoảng 10% từ đầu năm, nhưng định giá P/E vẫn quanh 14 lần, thấp hơn trung bình P/E của Việt Nam trong quá khứ từ 17-18 lần; P/B quanh 1.8 lần, không quá cao so với trung bình từ 2.3 - 2.5 lần. “Định giá, mặc dù đã tăng, nhưng chưa phải quá nóng để chúng ta lo lắng”, ông Trung nói.
Cuối cùng, là các sự kiện “thiên nga đen”, với những biến số ngẫu nhiên, bất ngờ và không thể dự báo được. Theo ông, có thể là những yếu tố từ bên ngoài như Fed chậm giảm lãi suất; nếu có sự kiện bất ngờ như tắc nghẽn chuỗi cung ứng hoặc các vấn đề làm cho lạm phát tăng lại, khi đó Fed có thể thay đổi kỳ vọng, không tăng lãi suất trong năm 2024.
Sau cùng, người đứng đầu phòng Tư vấn đầu tư của TCSC kết luận, dựa vào 2/3 yếu tố đã phân tích ở trên, TTCK vẫn đang tốt để đầu tư.
Về mặt cơ bản, ông Võ Kim Phụng – Phó Phòng phân tích CTCP Chứng khoán BETA có cùng quan điểm với chuyên gia của TCSC về mặt dài hạn.
Vị chuyên gia vẫn kỳ vọng TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ vận động theo xu hướng tích cực trong năm 2024, được hỗ trợ bởi triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế vĩ mô cùng với mặt bằng lãi suất thấp được duy trì.
Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số vẫn đang duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn và trung – dài hạn khi đường chỉ số nằm trên các đường trung bình động quan trọng (MA10, MA20, MA50 và MA200 kể cả ở khung thời gian ngày và khung thời gian tuần).
Đồng thời, với việc vượt lên trên mốc kháng cự mạnh 1,250 điểm (đỉnh cũ tháng 9/2023) kèm theo thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao; dòng tiền lan tỏa tích cực với sự dẫn dắt luân phiên của những nhóm cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn; nhiều cổ phiếu đầu ngành thiết lập đỉnh lịch sử mới dù chỉ số VN-Index vẫn còn cách khá xa đỉnh lịch sử, cho thấy dấu hiệu dòng tiền lớn nhập cuộc; điều này làm gia tăng khả năng VN-Index sẽ sớm hướng đến vùng kháng cự cao hơn tại 1,280 – 1,300 điểm trong tháng 3/2024, cũng là tháng có xác suất tăng điểm khá cao của TTCK Việt Nam trong nhiều năm qua.
Biểu đồ ngày của VN-Index
Ông Võ Kim Phụng cung cấp, tính đến hết phiên ngày 1/3/2024
|
Các chỉ báo kỹ thuật quan trọng như SAR, MACD và cặp (DI+, DI-) đều đang duy trì trạng thái tích cực, củng cố cho xu hướng tăng hiện tại.
Tuy nhiên, chỉ báo RSI ở cả khung thời gian ngày và tuần đều đang ở trạng thái “quá mua” – hàm ý xu hướng tăng hiện tại đang có dấu hiệu tăng nóng, với độ dốc khá cao trong thời gian ngắn, nên có thể sẽ sớm xuất hiện áp lực chốt lời gia tăng dẫn đến rủi ro rung lắc/điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng tăng mang tính bền vững hơn trong dài hạn.
“Trong giai đoạn hiện nay, vùng 1,200 – 1,210 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index”, chuyên gia của Beta cho biết.
Bình luận thêm, ông Phụng nhìn nhận các số liệu kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 với nhiều điểm sáng, củng cố cho kỳ vọng lạc quan với diễn biến của TTCK trong tháng 3/2024.
Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp tăng 5.7% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cũng tăng 19.2% so với cùng kỳ, đạt 59.34 tỷ USD. Dòng vốn FDI ghi nhận mức tăng kỷ lục (đạt 4.29 tỷ USD, tăng 38.6%), 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam (tăng 68.7%).
Bên cạnh đó, HOSE sẽ diễn tập chuyển đổi sang hệ thống công nghệ thông tin mới KRX từ ngày 04/03 cũng được kỳ vọng sẽ tạo tâm lý tích cực cho thị trường trong thời gian tới, đồng thời cũng làm gia tăng kỳ vọng về triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Song, ông cũng lưu ý vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt như: số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm là 63 ngàn, lớn hơn số gia nhập thị trường là hơn 41 ngàn; tăng trưởng tín dụng âm (tính đến 16/2 giảm 1% so với cuối năm 2023) mặc dù thanh khoản dồi dào và mặt bằng lãi suất thấp, cho thấy cầu tín dụng có sự suy giảm, phần nào thể hiện yếu tố đầu ra, xuất khẩu và thị trường trong nước vẫn còn nhiều khó khăn; chỉ số CPI tăng 3.67%, mức cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2018; tỷ giá biến động ngắn hạn khó lường và đang neo cao.
Lựa chọn nhóm ngành đầu tư theo khẩu vị rủi ro
Về nhóm ngành đầu tư, ông Trung chỉ ra ngân hàng và chứng khoán là hai ngành dành cho các nhà đầu tư thích các cổ phiếu theo xu hướng.
Đối với ngành ngân hàng, mặc dù đã bớt hấp dẫn, nhưng vẫn có thể đầu tư được. Một số ngân hàng định giá vẫn quanh giá trị số sách từ 1.2 – 1.3 lần không phải là quá đắt. Nếu nhà đầu tư mới vào thị trường đoạn này, có thể phân bổ tỷ trọng ngang với tỷ trọng của nhóm này trong VN-Index (chiếm 25-30%). Xem xét một số ngân hàng mang tính chất an toàn để phân bổ, tỷ trọng không nên trên 30%, khoảng từ 20-25%.
Tương tự, ngành chứng khoán cũng đã tăng giá, định giá không còn rẻ, một số công ty chứng khoán có P/B ở mức gần 2.5 - 3 lần. Tuy nhiên, vẫn có một vài cổ phiếu chứng khoán định giá quanh giá trị sổ sách. Khi có những thông tin tích cực từ hệ thống KRX, thanh khoản thị trường hồi phục lại, thì những cổ phiếu chứng khoán có P/B quanh 1 lần là cơ hội cho nhà đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư quan tâm đến sự an toàn, có thể xem xét các ngành liên quan tới tiện ích như điện, với một số doanh nghiệp trả cổ tức rất cao. Ông Trung đánh giá lợi nhuận một số doanh nghiệp điện sẽ tăng trưởng trong năm nay. Mặt khác, môi trường lãi suất hiện tại chỉ còn đâu đó khoảng 4-5%/năm, trong khi đó một số cổ phiếu ngành điện lại có tỷ suất cổ tức lên đến 8-10%.
Nhóm ngành cuối cùng, nhóm phục hồi hay thay đổi từ hướng xấu sang hướng tốt hơn, liên quan đến xuất khẩu và sản xuất. Giá cổ phiếu nhóm các doanh nghiệp này đã giảm từ 40-50%, trong khi đó kết quả kinh doanh bắt đầu có sự hồi phục tốt hơn. Đây là nhóm cổ phiếu dành cho những nhà đầu tư thích sự rủi ro cao.
Nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý FOMO
Còn theo chuyên gia của Chứng khoán Beta, dựa vào những số liệu kinh tế vĩ mô đã phân tích, có thể quan tâm đến các nhóm ngành liên quan tới xuất khẩu, cảng biển, logistics, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng công nghiệp, công nghệ, du lịch, điện… được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của dòng tiền và nhà đầu tư trong thời gian tới.
Song, ông Phụng lưu ý nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý FOMO mua đuổi bằng mọi giá. Đặc biệt, khi thị trường ở trạng thái nóng, một khi áp lực chốt lời tăng cao trong ngắn hạn có thể dẫn đến những phiên rung lắc/điều chỉnh mạnh bất ngờ, vì vậy nhà đầu tư cần phải có kỷ luật và đa dạng hóa danh mục giúp hạn chế tâm lý FOMO đối với những cổ phiếu tăng nóng, ưu tiên phân bổ vốn vào những ngành nghề, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm nay tại những nhịp thị trường điều chỉnh.
Duy Khánh