Vietstock - Xăng dầu, điện tăng giá: Sắt thép, xi măng lập mặt bằng giá mới
Sau biến động tăng giá điện, giá xăng dầu tháng 3 và 4 này, nhiều mặt hàng, dịch vụ đã bắt đầu phản ứng tăng giá. Trên thị trường giá nguyên vật liệu xây dựng như: sắt, thép, xi măng, giá nhân công xây dựng cũng theo đà tăng lên.
Giá vật liệu xây dựng tại cửa hàng bán lẻ tăng cao
Khảo sát, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thép tấm có giá 14.300 đồng/kg, thép V 15.100 đồng/kg, thép hộp kẽm vuông 17.000 - 18.000 đồng/kg (tăng 1.000 - 1.200 đồng/kg), sắt phi 6, 8 có giá 15.500 - 15.700 đồng/kg,...
Chủ một vài cửa hàng vật liệu cho hay: từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thép nhích lên từng ngày, khoảng 10% so với trước Tết. Giá các mặt hàng gạch, cát xây dựng cũng tăng giá 5% - 7% so với tháng trước. Giá cát xây dựng ở mức 390.000 - 400.000 đồng/m3; gạch đỏ từ 840 - 900 đồng/viên và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu dù các nhà máy gạch đang chạy hết công suất. Gạch ốp tường, lót sàn có giá từ 210.000 - 220.000 đồng/m2 (loại 60 cmx60 cm), tăng 7% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Thắng - chủ một cửa hàng vật liệu xây tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng từ 5%-10%, riêng cát xây dựng tăng đến chóng mặt. “Trước đây, cát dùng để san lắp mặt bằng chỉ vài chục ngàn đồng/m3, nay giá cát tại nơi bán lẻ bị đẩy thêm 100.000-150.000 đồng/m3”, ông Thắng nói.
Mức tăng giá sắt thép xây dựng được điều chỉnh tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Theo đó, Cty Sản xuất thép Australia SSE (SSE Steel) tăng giá bán thép cây D10 thêm 100.000 đồng/tấn, đối với thép cây và thép cuộn tăng thêm 200.000 đồng/tấn; Cty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm, trong đó thép thanh vằn D10 tăng 200.000 đồng/tấn, thép cuộn, D12 và D14 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn; Giá các sản phẩm thép xây dựng dự án các loại cũng tăng 150.000 đồng/tấn.
Ngay trong tháng 3/2019, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã có thông báo tăng giá bán xi măng ra thị trường. Một số doanh nghiệp như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019.
Cụ thể, Cty CP Xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) đã tăng giá bán sản phẩm xi măng bao, rời từ 40.000 - 50.000 đồng/tấn. Một số thương hiệu xi măng khác cũng tăng giá bán như: Vicem Hoàng Thạch tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn (HN:BCC), Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn…
Tăng giá là tất yếu
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá điện tăng 8,3% kéo theo giá thành sản xuất 1 tấn xi măng tăng 14.000 - 15.000 đồng/tấn. “Giá thành tăng thì doanh nghiệp phải đồng loạt tăng giá xi măng thêm bình quân khoảng 50.000 đồng/tấn. Mức tăng này là hợp lý và tất yếu khi giá điện tăng và giá xăng dầu tiếp tục tăng lên. Đây cũng là đợt điều chỉnh giá bán đầu tiên trong năm 2019 và ngành xi măng được đánh giá là ngành có giá bán ổn định, ít biến động so với nhiều ngành sản xuất khác”, ông Cung nói.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Cty Xi măng (VICEM) Bùi Hồng Minh, VICEM đang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời tập trung giải quyết nút thắt công nghệ, giảm tiêu hao đặc biệt là tiêu hao năng lượng, giảm chi phí, cải tạo hệ thống máy nghiền, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất...
Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc doanh nghiệp khai thác, chế biến đá tự nhiên, đá vật liệu xây dựng và xuất khẩu cho biết, tiền điện chiếm 10 - 15% trong tổng chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện trong năm 2019 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vì hợp đồng bán sản phẩm đã ký kết từ cuối năm 2018.
“Giá bán sản phẩm doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ cuối năm 2018, để giữ uy tín chúng tôi phải giữ giá bán đã cam kết. Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất trong khi doanh thu giữ nguyên, chúng tôi phải dùng mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, tiết kiệm điện như tận dụng ánh sáng mặt trời vào một số công đoạn để giảm tiêu hao điện chiếu sáng… Tuy nhiên, sắp tới, hàng hoá sẽ phải tăng giá 10 - 15%”, ông Quảng nhận xét.
Không chỉ giá vật liệu xây dựng tăng, giá nhân công xây dựng cũng tăng so với tháng trước. Cụ thể, công thợ tăng 50.000/ngày, thợ chính lên mức 400.000 đồng/ngày, thợ phụ: 150.000- 250.000 đồng/ngày.
Lý giải về vấn đề tăng giá bán, các Cty xi măng đều có chung ý kiến: Hiện chi phí điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất. Nếu áp giá mới, sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay mặt hàng than do Tập đoàn Than và Khoáng sản cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải nhập khẩu than với giá cao. |
Ngọc Mai