Vietstock - 5 sai lầm nghiêm trọng cần tránh khi đa dạng hóa đầu tư
Các nhà đầu tư thường phải xem xét rất nhiều yếu tố. Nhưng ít có quyết định đầu tư nào quan trọng hơn việc phân bổ tài sản. Một danh mục đầu tư đa dạng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư non trẻ cũng như đối với các nhà đầu tư lành nghề.
Trường hợp lý tưởng nhất là có được một danh mục đầu tư đa dạng để bạn không cho tất cả tiền vào một loại tài sản. Với lý do khi một khoản đầu tư hoạt động kém, nó sẽ không nhất thiết ảnh hưởng đến những khoản đầu tư khác. Vì vậy, nếu bạn đầu tư trải rộng trên nhiều loại tài sản, bạn sẽ giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư tổng thể của bạn. Ví dụ, việc nắm giữ một rổ cổ phiếu sẽ ít biến động và rủi ro so với việc chỉ nắm giữ một hoặc hai mã cổ phiếu. Hơn nữa, việc nắm giữ một rổ các khoản mục đầu tư khác nhau có thể tạo ra lợi nhuận ổn định hơn theo thời gian so với việc chỉ đầu tư vào một loại tài sản.
Khoảng thời gian từ năm 2000 - 2009 đôi khi được mọi người gọi là "thập kỷ mất mát", vì nhà đầu tư nào chỉ đầu tư vào chứng khoán hầu như không kiếm được tiền do chỉ số S&P 500 đã giảm 9.1% trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, một danh mục đầu tư đa dạng, nắm giữ các loại tài sản khác nhau và ở các khu vực khác nhau trên thế giới, rất có thể đã tăng giá trị vào thời điểm đó.
5 sai lầm phổ biến trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư
Một niềm tin phổ biến là những người trẻ tuổi nên đầu tư nhiều vào cổ phiếu hơn, còn những người lớn tuổi thì nên mua nhiều trái phiếu hơn. Một số người thích sử dụng quy tắc "100 trừ đi số tuổi của bạn" để xác định việc phân bổ tài sản. Bắt đầu với số 100 và trừ đi số tuổi của bạn. Con số kết quả sẽ là tỷ lệ phần trăm bạn nên phân bổ cho cổ phiếu, và phần còn lại nên được đầu tư vào trái phiếu. Ví dụ, một nhà đầu tư chỉ số 40 tuổi có thể nắm giữ hai quỹ chi phí thấp theo tỷ lệ được nêu dưới đây:
60%: Cổ phiếu của Quỹ đầu tư chỉ số chứng khoán thế giới Vanguard (VTWSX)
40%: Trái phiếu Quỹ hoán đổi danh mục Vanguard Total (BND)
Phương pháp đơn giản giúp quyết định việc phân bổ tài sản này sẽ tạo ra sự tăng trưởng dài hạn cho nhà đầu tư, đồng thời mang lại nguồn thu nhập cố định ổn định. Mặc dù đây không phải là một phương pháp không tốt cho những người mới bắt đầu, nhưng có nhiều yếu tố cần xem xét khi muốn tạo ra một danh mục đầu tư thực sự đa dạng. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến và cách phòng tránh mà nhiều nhà đầu tư mắc phải trong việc đa dạng hóa.
1. Quá đa dạng hoặc không đủ đa dạng
Không nắm giữ đủ số loại cổ phiếu của các công ty có thể làm tổn thương danh mục đầu tư chứng khoán của một nhà đầu tư. Điều này đặc biệt đúng nếu có một lượng không cân xứng các cổ phiếu nằm trong cùng một ngành hoặc lĩnh vực. Ví dụ, gần như tất cả cổ phiếu năng lượng đã giảm giá trong năm 2014 khi giá dầu giảm mạnh từ hơn 100 USD/thùng xuống còn khoảng 55 USD/thùng. Việc tập trung quá mức vào một lĩnh vực của thị trường chứng khoán sẽ làm tăng rủi ro cho danh mục đầu tư. Bạn có thể sử dụng các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) để tránh vấn đề này bởi vì các loại quỹ này nắm giữ nhiều cổ phiếu riêng lẻ khác nhau trong đó. Nhưng đối với các nhà đầu tư thích chọn những cổ phiếu riêng lẻ, con số tối ưu để sở hữu cho danh mục đầu tư chứng khoán đa dạng tốt nhất là từ 20 mã trở lên trong các lĩnh vực khác nhau. Đối với những người không có thời gian để nghiên cứu các công ty riêng lẻ, các dịch vụ như Betterment cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý đầu tư đa dạng, hoàn toàn tự động cho khách hàng với chi phí thấp hơn chi phí thông thường của một nhà tư vấn tài chính truyền thống.
Đồng thời, việc đa dạng hóa quá mức cũng có thể xảy ra. Điều này thường xảy đến với ai đó đầu tư vào cùng một cổ phiếu hoặc các cổ phiếu rất giống nhau trong các tài khoản khác nhau. Cũng vô ích khi mua các quỹ tương hỗ hoặc quỹ ETF tương tự nhau. Vì vậy, nếu như có hai cổ phiếu hoặc quỹ tương tự nhau, các nhà đầu tư chỉ nên chọn một trong số đó để đầu tư vào. Nếu không, nó sẽ dẫn đến sự không hiệu quả và phức tạp về thuế. Một phương pháp thích hợp để quản lý việc đầu tư đa dạng các ngành nghề là có thể sử dụng một công ty như Betterment, nơi các nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục đầu tư ETF của riêng họ với trọng tâm cốt lõi. Một số phương thức đầu tư được ưu đãi về thuế hơn so với các phương thức đầu tư khác, vì vậy việc cẩn thận lựa chọn phương tiện đầu tư để mua cổ phiếu cũng rất quan trọng.
2. Không nhìn xa hơn các khoản đầu tư thông thường
Cổ phiếu và trái phiếu là các loại tài sản phổ biến nhất trên thị trường tài chính. Nhưng cũng có nhiều loại tài sản thay thế khác không tương thích với nhau cũng đáng để bạn xem xét. Dưới đây là một số ví dụ:
- Bất động sản hoặc quỹ đầu tư tín thác bất động sản
- Đất nông nghiệp
- Nghệ thuật, đồ trang sức và các đồ sưu tập khác
- Kim loại quý như vàng và bạc
- Cổ phiếu ưu đãi
- Thế chấp hoặc các khoản cho vay để mua tài sản
- Trái phiếu lợi tức cao
- Quyền chọn ETF
- Doanh nghiệp tư nhân
Một vài trong số các loại tài sản thay thế trên đã vượt trội so với thị trường chứng khoán theo thời gian. Chẳng hạn, theo CNBC, từ năm 1995-2014, đầu tư vào đất nông nghiệp ở Mỹ đã mang lại lợi nhuận 12.7% mỗi năm. Vì đây là một tài sản hữu hình mang lại thu nhập, một số nhà đầu tư đã gọi đất nông nghiệp là "vàng có phiếu giảm giá". Bỏ qua các hạng mục đầu tư thay thế có thể đồng nghĩa với việc bạn bỏ lỡ một khoản lợi nhuận khá đáng kể theo thời gian.
3. Không chú ý đến điều kiện kinh tế vĩ mô
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ hiện đang trả mức lãi "bèo bọt" 2.47% mỗi năm. Nhưng 10 năm trước, lợi suất vào khoảng 5%, gấp đôi mức hiện tại. Điều này có nghĩa là để đạt được lợi nhuận tương xứng cho danh mục đầu tư có thu nhập cố định, chúng ta sẽ phải trộn lẫn vào các khoản đầu tư rủi ro như "trái phiếu rác" và các khoản vay rủi ro cao hơn khác. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, rủi ro sẽ không xứng đáng với lợi nhuận dự kiến. Vì vậy, trong một môi trường lãi suất thấp, chúng ta nên thận trọng để giảm mức độ nắm giữ trái phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Nhưng 3 thập kỷ trước, số trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm này đã trả mức lãi 15%/năm do nền kinh tế phát triển và lãi suất cao hơn. Trong tình huống đó, chúng ta cần đầu tư nhiều vào trái phiếu vì lợi nhuận hàng năm 15% là hầu như không có rủi ro vì nó được bảo đảm bởi Chính phủ liên bang Mỹ, một trong những nhà phát hành nợ an toàn nhất trên thế giới.
4. Không đa dạng hóa về mặt địa lý
Một khía cạnh quan trọng của việc đa dạng hóa thường bị bỏ qua là nên đầu tư vào quốc gia nào. Tất nhiên, phân bổ tài sản là điều rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng không kém là vị trí của tài sản. Có thể hiểu được mọi người thường quan tâm nhiều nhất đến các công ty kinh doanh trong nước của họ vì họ quen thuộc với những công ty này hơn.
Nhưng như giám đốc danh mục đầu tư Ben Carlson của CFA giải thích, đôi khi thị trường chứng khoán Mỹ được đại diện bởi chỉ số S&P 500 hoạt động rất tốt, nhưng lại có đôi khi, các thị trường phát triển bên ngoài Bắc Mỹ (MSCI EAFE) lại mang về lợi nhuận cao hơn.
Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% thị trường chứng khoán toàn cầu theo mức vốn hóa thị trường. Vì vậy, điều quan trọng là đa dạng hóa danh mục đầu tư về mặt địa lý để chúng ta có thể tận dụng đà tăng trưởng kinh tế ở châu Á, châu Âu và các châu lục khác trên thế giới.
5. Bỏ qua hoàn cảnh cá nhân
Một nguyên tắc chung thường được mọi người áp dụng là dựa trên các nhà đầu tư trung bình. Vấn đề với quy tắc đó là mỗi cá nhân có hoàn cảnh khác nhau. Nếu một người trẻ đã tiết kiệm được một số tiền, anh ta nên đầu tư vào cái gì? Không thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này mà không xét đến hoàn cảnh cá nhân của người đó. Nếu anh ta dự định mua một ngôi nhà trong một vài năm nữa bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm như một khoản thanh toán trước thì có lẽ anh ta nên tránh các khoản đầu tư rủi ro và nên đầu tư 100% vào trái phiếu ngắn hạn. Mặt khác, nếu anh ta không có kế hoạch mua một tài sản giá trị cao, đồng thời anh ta làm việc cho Chính phủ và có một kế hoạch hưu trí thu nhập cố định hào phóng, thì có lẽ anh ta nên đầu tư nhiều tiền tiết kiệm hơn vào cổ phiếu tăng trưởng.
Nếu một góa phụ ở độ tuổi 70 có tiền để đầu tư, thì giả định đầu tiên có thể là để bà ta đầu tư vào trái phiếu và các tài sản tạo thu nhập bảo thủ khác. Nhưng nếu bà ấy có thể sống thoải mái với thu nhập mà bà ấy nhận được từ các khoản trợ cấp bảo hiểm, lương hưu tư nhân và an sinh xã hội, thì có lẽ bà ấy nên đầu tư thêm tiền tiết kiệm cá nhân vào các quyền chọn thay thế.
Sử dụng tuổi tác làm điểm tham chiếu ban đầu để xác định việc phân bổ tài sản cũng tỏ ra hữu ích. Bạn có thể bắt đầu với quy tắc "100 trừ số tuổi của bạn". Nhưng cuối cùng, phải xét đến hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Hiểu hoàn cảnh tài chính của một người là điều tối quan trọng để đưa ra quyết định đa dạng hóa đúng đắn trong danh mục đầu tư của người đó.
Nói tóm lại, điều quan trọng cần nhớ là đa dạng hóa thực sự liên quan đến việc phân tán rủi ro và bảo vệ chúng ta khi kết quả đầu tư kém trong thời gian dài. Đôi khi điều này có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ khả năng thắng lớn để tránh nguy cơ phải đầu tư lại từ đầu. Nhưng nếu chúng ta muốn sống sót sau những lần gián đoạn lớn của thị trường và cuối cùng đạt được mục tiêu đầu tư thì đa dạng hóa là chiến lược tốt nhất mà chúng ta có.
Tuệ Nhiên (Theo Modestmoney.com)