Theo Lan Nha
Investing.com - Sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (NHNN) là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, NHNN hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %, trong khi Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 393 đồng, tương đương 1,66%.
Lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 VND (HM:VND) trong ngày 11/9, tuy nhiên, sang ngày hôm sau giảm 24 đồng về còn 23.981 VND/USD. Nguyên nhân do đồng USD trên thị trường thế giới giảm mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế trước dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố ngày 13/9, cùng với đó là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Về nguyên nhân khiến tỷ giá tăng, đại diện NHNN cho biết, từ giữa tháng 6/2023, khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.
Tuy nhiên, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Các chuyên gia cho rằng rất khó đoán định động thái của Fed trong hai cuộc họp vào tháng 11 và 12 cuối năm do Fed có quan điểm các quyết định lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế ở thời điểm đó. Nghĩa là Fed vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Giới phân tích thị trường nhìn nhận, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu bởi những tác động ngoại lực khi Fed vẫn có khả năng tăng thêm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục. Tính đến ngày 12/9, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới bằng VND ở mức 8,4%/năm trong khi lãi suất cho vay USD khoảng 5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND. Trong trường hợp Fed tăng thêm lãi suất trong năm nay, các chuyên gia dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng - mức tăng không quá mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tỷ giá có xu hướng tăng cũng do chịu áp lực đồng nhân dân tệ (CNY) yếu đi, gây áp lực lên VND. Trung Quốc đã giảm lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN cho biết: cơ chế điều hành theo tỷ giá trung tâm của Việt Nam trên cơ sở tham chiếu diễn biến của giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam, trong đó bao gồm Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, NHNN can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác góp phần ổn định tâm lý thị trường. "Thực tế thời gian vừa qua, mặc dù CNY và nhiều đồng tiền châu Á khác biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ”, theo nhận định của NHNN.
Doanh nghiệp sẽ bị tác động gì trước áp lực tỷ giá?
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là tỷ giá "dậy sóng" sẽ tác động ra sao tới các doanh nghiệp? Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng do cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam là xuất nhiều - nhập nhiều, phụ thuộc phần lớn vào FDI nên cơ bản không ảnh hưởng, biến động quá lớn.
Mặt khác, ông Lực cho rằng xuất khẩu trước mắt có lợi khi giá cạnh tranh hơn, nhưng lâu dài sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt ở những lĩnh vực phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu quá lớn, mức độ hưởng lợi không nhiều, chẳng hạn như ngành dệt may hay điện tử xuất khẩu nhiều nhưng nhập nguyên vật liệu rất lớn, ngay cả những mặt hàng như nông sản, thủy sản… thì thuốc trừ sâu, phân bón Việt Nam cũng vẫn phải nhập nhiều.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng nặng nỗi lo khi tỷ giá tăng giá vốn sẽ bị đẩy cao, kéo theo giá bán hàng hóa trong nước tăng lên. Công ty CP Vinacam cho biết, hiện mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu bình quân khoảng 15-18 triệu USD hàng hóa, theo tính toán của doanh nghiệp này, tỷ giá tăng thêm 1,6%, doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 240.000 USD, tương đương hơn 5,7 tỷ đồng cho hàng hóa đầu vào. “Chưa kể giá USD tăng cũng khiến các khoản phí liên quan đến logistics tăng theo. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp buộc phải chấp nhận “bóp” lợi nhuận để duy trì tính cạnh tranh”.
Trong bối cảnh giá thành sản phẩm tăng do tác động từ tỷ giá nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì sợ người dùng cắt giảm chi tiêu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang phải “gồng mình” cho khoản chênh lệch tỷ giá.
NHNN đang tỏ rõ sẵn sàng can thiệp sớm để giữ ổn định tỷ giá nhờ các yếu tố:
- Thứ nhất, thặng dư thương mại ở mức cao.
- Thứ hai, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định.
- Thứ ba, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể sẽ giúp hạn chế các kỳ vọng thái quá của thị trường và sớm đưa tỷ giá ổn định trở lại.