Vietstock - Yếu tố nào cấu thành nên một doanh nghiệp logistics mạnh?
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/12/2021, đại diện các doanh nghiệp trong ngành đã đưa ra các ý kiến cũng như đóng góp những đề xuất, kiến nghị để xây dựng một doanh nghiệp logistics mạnh.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 tổ chức ngày 14/12/2021
|
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: “Xây dựng doanh nghiệp mạnh về logistics là một nhiệm vụ đã được đặt ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Từ góc độ thực tế, chúng ta thấy rằng bất kỳ ngành nào cũng cần doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp đầu đàn, dù đó là ngành viễn thông, công nghiệp điện tử, dệt may, da giày hay logistics”.
Thế nào là tập đoàn logistics mạnh?
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Cao Hồng Phong - TGĐ Cảng Nam Đình Vũ, Tập đoàn Gemadept (HM:GMD) - chia sẻ, để trở thành doanh nghiệp logistics mạnh cần các yếu tố cấu thành. Thứ nhất là phạm vi về hệ sinh thái dịch vụ phải đa dạng. Yếu tố thứ hai là hệ thống khách hàng và mạng lưới hoạt động phải phủ rộng. Hai yếu tố này tạo ra quy mô của một doanh nghiệp.
Với xu thế hiện nay, tốc độ chuyển đổi số nhanh, quy mô doanh nghiệp lớn, phạm vi hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, hệ thống mạng lưới khách hàng phủ rộng. Tất cả những yếu tố trên tạo ra một công ty logistics mạnh. Câu hỏi đặt ra là công ty logistics mạnh có tầm ảnh hưởng và vai trò dẫn dắt như thế nào?
Ông Phong cho biết thêm: “Theo thống kê gần đây, trong hàng chục ngàn doanh nghiệp logistics, có 25 doanh nghiệp logistics nước ngoài, chiếm thị phần logistics Việt Nam đến 80%. Chúng ta hơi tự ti khi nhìn vào các con số, các doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng chiếm đến 70%, nhân sự dưới 50 người chiếm 94%, doanh thu dưới 100 tỷ đồng chiếm đến 60%, sử dụng ứng dụng chuỗi cung ứng toàn diện chiếm 14%, phần lớn các doanh nghiệp logistics cung cấp các dịch vụ cơ bản là truyền thống, nhưng không có nghĩa chúng ta không dẫn dắt và không có tầm ảnh hưởng.”
Cũng theo ông Phong, mỗi doanh nghiệp logistics sẽ mạnh ở một hoặc hai mặt chứ không thể mạnh toàn diện ở hầu hết các mặt. Những gì không mạnh thì sẽ bàn đến câu chuyện hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng hệ sinh thái.
Ngoài ra, với hệ sinh thái gồm cảng biển, vận tải đường bộ, vận tải thủy, một công ty logistics mạnh phải có hệ sinh thái số thông minh. Đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chúng ta cần phải có một “gen” (ADN) để xây dựng một công ty logistics mạnh. “Gen” là những cán bộ công nhân viện phải có tâm, trách nhiệm đam mê với nghề mới giúp cho công ty mạnh.
Qua đó, ông Phong cũng đưa ra một số đề xuất và kiến nghị: “Muốn trở thành công ty logistics mạnh trước hết phải xây dựng nguồn nhân lực mạnh. Thứ hai là chuyển đổi số, trước hết là từ những người đứng đầu. Thứ ba là thay đổi, mở rộng mối quan hệ giúp nhau cùng phát triển”.
Ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistics Tân Cảng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đưa ra 3 đề xuất chính để phát triển doanh nghiệp logistics mạnh.
Thứ nhất là đối với cơ quan ban ngành, cần xây dựng hạ tầng và thể chế, đảm bảo hệ thống không bị trì trệ, đảm bảo đúng tiến độ… Ngoài ra, cần hệ thống hóa văn bản pháp lý các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, cần xác định những rào cản hạn chế. Các cơ quan ban ngành cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối đa phương thức, tăng cường đầu tư hạ tầng hậu cần và kho bãi, giúp tăng khả năng cạnh trạnh thương mại trên toàn cầu. Thêm nữa là vấn đề về thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, đơn giản hóa, đồng bộ hóa, chia sẻ thông tin, đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, luật hóa các giao dịch điện tử.
Thứ hai, đối với các hiệp hội logistics, cần tăng cường tính liên kết logistics giữa các địa phương và hợp tác đối ngoại, kết nối các thị trường quốc tế tiềm năng.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp logistics, cần kết nối, xây dựng cộng đồng logistics mạnh, đảm bảo một chuỗi cung ứng mạnh, lưu thông hàng hóa tốt nhất, tăng vị thế cạnh tranh. Ngoài ra, các đơn vị cần xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn dẫn dắt thị trường.
Trách nhiệm trở thành nòng cốt kinh tế thế giới
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Phó TGĐ Viettel Post chia sẻ tại Diễn đàn
|
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Phó TGĐ Viettel Post, cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của thị trường logistics đạt 5-6%/năm, tăng trưởng 15-16%/năm. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%/năm và chi phí logistics sẽ giảm xuống 16-20%/GDP.
Việc xây dựng các doanh nghiệp logistics mạnh đang trở thanh nòng cốt cho kinh tế và đây là một nhiệm vụ cần thiết. Nhóm doanh nghiệp này cần thực hiện 3 trách nhiệm chính.
Thứ nhất, trọng trách này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics mạnh phải đại diện cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Trước Chính phủ, truyền thông và xã hội, thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên ngành, mong muốn dịch vụ logistics có thể đến với cộng đồng và xa hơn là tác động đến điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển theo đúng lộ trình đề ra.
Thứ hai, doanh nghiệp logistics mạnh cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh việc hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với cơ sở đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền logistics quốc gia.
Thứ ba, doanh nghiệp logistics cần bảo vệ chuỗi cung ứng trách nhiệm với cộng đồng xã hội thông qua liên kết doanh nghiệp, là đối tác đồng hành chặt chẽ với các doanh nghiệp khác duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, bài toán bảo vệ môi trường là một phần trách nhiệm đối với việc phát triển và đề cao giá trị thực tiễn của logistics xanh.
Tiên Tiên