Investing.com -- Xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi nhập khẩu gần như không đổi, giúp thặng dư thương mại của nước này đạt 990 tỷ USD.
Theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 13/1, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái đạt 3.580 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1%, lên 2.590 tỷ USD. Thặng dư thương mại của năm 2023 đạt 990 tỷ USD, vượt qua kỷ lục trước đó là 838 tỷ USD của năm 2022.
Riêng trong tháng 12, Trung Quốc ghi nhận thặng dư kỷ lục 104,8 tỷ USD. Xuất khẩu tháng 12 tăng mạnh khi nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và thực hiện các biện pháp nâng thuế nhập khẩu.
Ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức. Trong chiến dịch tranh cử, ông đe dọa nâng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên 60-100%. Thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với Mỹ tháng trước là 33,5 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với tháng 11.
"Việc doanh nghiệp nước ngoài gấp rút nhập hàng tháng 12 là hệ quả của việc ông Trump tái đắc cử và Trung Quốc sắp bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhập khẩu của nước này có thể tăng tốc khi nước tích trữ hàng hóa như đồng và quặng sắt, theo chiến lược mua ở giá thấp", Xu Tianchen - nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu EIU giải thích trên Reuters.
Trung Quốc thâm hụt thương mại về dầu thô và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, nhưng đạt thặng dư về hàng hóa nhà máy. Nhiều quốc gia coi thặng dư về hàng hóa là tốt, vì các nhà máy sẽ tạo ra việc làm. Điều này cũng quan trọng với an ninh quốc gia.
New York Times cho biết nếu điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại của nền kinh tế thứ hai thế giới năm ngoái vượt xa tất cả quốc gia khác trong một thế kỷ qua, kể cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ. Các nhà máy của nước này đang thống trị ngành sản xuất toàn cầu.
Từ nước nhập khẩu xe hơi, Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới. Họ cũng sản xuất phần lớn pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu, đồng thời phát triển máy bay để cạnh tranh với Airbus, Boeing (LON:SBA). Xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, trong bối cảnh bất động sản và tiêu dùng trong nước trì trệ. Xuất khẩu tạo ra hàng triệu việc làm cho công nhân, kỹ sư, thiết kế đồ họa và nhà khoa học.
Tuy nhiên, việc hàng Trung Quốc tràn ngập thế giới khiến nước này bị hàng loạt đối tác thương mại chỉ trích. Nhiều nước phát triển và đang phát triển đã áp thuế nhập khẩu với quốc gia này nhằm làm chậm lại làn sóng trên. Năm ngoái, Mỹ và EU đều áp thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa trong nhiều trường hợp, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu.
Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của họ thời gian qua chậm lại. Quốc gia này đang theo đuổi chính sách tự chủ trong hai thập kỷ qua. Trong kế hoạch Made in China 2025, họ cam kết chi 300 tỷ USD thúc đẩy sản xuất tiên tiến trong nước.