Investing.com -- Thuế suất cao khiến giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ và khó duy trì được thị phần. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu có thể giảm, dẫn đến nguy cơ thâm hụt hoặc suy giảm thặng dư trong cán cân thương mại.
Tác động nhiều mặt
Ông Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1 (theo giờ Mỹ), mở ra nhiệm kỳ 4 năm được dự báo sẽ có rất nhiều biến động.
Theo TS. Hà Thị Cẩm Vân - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế Trường Đại học RMIT Việt Nam, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cần lường trước những tác động tiêu cực có thể nảy sinh từ chính sách kinh tế của Donald Trump nhằm đưa ra kế hoạch ứng phó linh động.
Bà Vân cho rằng, nếu các đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump được thực thi rộng rãi, nó có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng và vốn FDI. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may và da giày sẽ phải đối mặt với áp lực lớn từ chính sách tăng thuế này.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty toàn cầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này đã giúp Việt Nam đạt được thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục được củng cố trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, khi hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đến năm 2024, Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với thặng dư thương mại lên tới 104,6 tỷ USD.
Hiện, Việt Nam là nơi sản xuất lớn của các công ty Mỹ như Apple (NASDAQ:AAPL), Google (NASDAQ:GOOGL), Nike (NYSE:NKE) và Intel… đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thương mại của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 lại nhấn mạnh vai trò của thuế quan trong việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ.
“Nếu chính quyền Trump coi Việt Nam là nơi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ, nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam sẽ là mục tiêu ngay sau Trung Quốc trong chiến lược thương mại nhiệm kỳ Trump 2.0, đẩy thuế nhập khẩu các mặt hàng “made in Vietnam” vào Mỹ tăng cao”, bà Vân nói.
Ngoài ra, ông Trump cũng cảnh báo về khả năng áp dụng mức thuế lên đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Việc áp thuế cao này sẽ làm tăng giá sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, khiến chúng mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ và giảm khả năng duy trì thị phần. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu và tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt hoặc giảm thặng dư trong cán cân thương mại.
Đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng
Bà Vân cho biết, sự giảm sút trong xuất khẩu sẽ khiến nguồn cung USD vào Việt Nam giảm, tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái. Đồng VNĐ có thể bị mất giá, gây tăng chi phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và máy móc, từ đó làm gia tăng chi phí sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá tiêu dùng.
Bà Vân cũng nhận định rằng nếu ông Trump thực hiện chính sách thuế toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu, chi phí hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của các ngành xuất khẩu lớn như điện tử, may mặc và da giày. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp đồng và thị trường.
Thêm vào đó, dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn toàn cầu và chính sách bảo hộ của Mỹ. Các công ty FDI tại Việt Nam lo ngại rằng nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Trung Quốc… có thể giảm hoặc hoãn đầu tư, sản xuất tại Việt Nam vì ưu thế thuế nhập khẩu thấp đối với các mặt hàng "made in Vietnam" sẽ không còn.
Một mối nguy khác mà bà Vân chỉ ra là lạm phát tại Mỹ có thể gia tăng do thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng, cộng thêm chính sách hạn chế nhập cư làm giảm nguồn lao động, trong khi lao động nhập cư chiếm khoảng 19% tổng lao động tại Mỹ. Việc thiếu hụt lao động sẽ làm tăng chi phí lao động và tổng chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá cả lên.
Bà Vân cảnh báo rằng chính sách thuế và lạm phát cao tại Mỹ sẽ tạo ra tác động kép tiêu cực đối với Việt Nam, làm giảm xuất khẩu, gây áp lực lên cán cân thương mại, đồng thời làm gia tăng chi phí nhập khẩu và áp lực lạm phát nội địa.
Để giảm thiểu tác động này, bà Vân khuyến nghị Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tính tự chủ kinh tế. Bên cạnh đó, cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định kinh tế, theo dõi tỷ giá, kiểm soát lạm phát, và điều chỉnh lãi suất hợp lý để ổn định dòng vốn và hỗ trợ doanh nghiệp.