Vietstock - Trump ra lệnh rút Mỹ khỏi WHO
Tổng thống Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Mỹ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đánh dấu sự cắt đứt một trong những nguồn tài trợ quan trọng nhất của tổ chức quốc tế này.
Theo thông tin từ trang web Nhà Trắng, sắc lệnh được Trump ký tại Phòng Bầu dục ngày 20/01 nêu rõ: "WHO tiếp tục đòi hỏi các khoản thanh toán quá nặng nề từ Mỹ một cách không công bằng, vượt xa so với các khoản đóng góp của các quốc gia khác".
"WHO đã lừa dối chúng ta", ông Trump nói trong ngày 20/01, và nhấn mạnh: "Ai cũng lừa dối Mỹ. Điều này sẽ không còn xảy ra nữa".
WHO, với trụ sở đặt tại Geneva, đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, từ các bệnh truyền nhiễm đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo và các vấn đề sức khỏe mãn tính như ung thư và bệnh tim.
Việc Mỹ rút lui có thể gây ra thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn tài trợ cho WHO. Trong chu kỳ ngân sách 2024-25, đóng góp của Mỹ lên tới 662 triệu USD, chiếm 19% tổng doanh thu của tổ chức này.
Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã từng cố gắng đưa Mỹ rời khỏi tổ chức y tế quốc tế này, với cáo buộc WHO thiên vị chính phủ Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19 và phản ứng chậm chạp trong việc kiểm soát dịch bệnh. Động thái này đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạt động y tế và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, họ cho rằng đây chỉ là thủ thuật chính trị nhằm đổ lỗi cho phản ứng yếu kém của chính quyền trước đại dịch.
Sắc lệnh còn yêu cầu tạm dừng mọi khoản hỗ trợ hoặc nguồn lực từ Chính phủ Mỹ cho WHO trong tương lai. Đồng thời, Giám đốc Văn phòng Chính sách Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch của Nhà Trắng "sẽ xem xét, hủy bỏ và thay thế Chiến lược An ninh Y tế Toàn cầu Mỹ 2024 trong thời gian sớm nhất".
Khi gia nhập WHO vào năm 1948, Mỹ đã đặt ra điều kiện phải thông báo trước một năm và thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính khi rút lui. Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược nỗ lực rút lui của Trump khi nhậm chức vào tháng 1/2021, trước khi thời hạn thông báo kết thúc.
Theo báo cáo năm 2020 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ có thẩm quyền đơn phương rút khỏi WHO mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội hay không. Tuy nhiên, khả năng Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ ngăn cản động thái của Trump dường như không cao.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ là một đòn giáng mạnh vào tổ chức từng đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ bệnh đậu mùa trên toàn cầu, và hiện vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm như HIV và bại liệt. WHO đang phải đối mặt với nhiều tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, bao gồm các đợt bùng phát bệnh tả, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và virus Marburg.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)