Vietstock - Vì sao cần bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.
Đoàn giám sát cho rằng cần để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần quỹ bình ổn
|
Tiếp tục phiên họp thứ 36, chiều 13/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cơ sở đưa ra đề nghị này là, qua giám sát cho thấy, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Theo đoàn giám sát, trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm thì vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân.
Báo cáo giám sát nêu rõ, thực tế hiện nay cho thấy, cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường). Trong khi các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm).
"Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu. Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp", Đoàn giám sát nhấn mạnh.
Từ lý do trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần quỹ bình ổn.
Báo cáo về nội dung được giám sát, Chính phủ cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khó tránh khỏi nhiều vấn đề phát sinh phải giải quyết trong những tình huống cấp bách (như: thiên tai, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh trên diện rộng; biến động lớn về giá xăng dầu trên thị trường,…).
Việc sử dụng quỹ tài chính nhà nước như quỹ phòng chống lụt bão, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ bình ổn giá xăng dầu…với cơ chế linh hoạt sẽ xử lý kịp thời, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Thực tế cho thấy, các quỹ này đã đóng góp tích cực trong những tình huống cấp bách xảy ra, nhanh chóng hỗ trợ kịp thời cho người dân khi có thiên tai, bão lụt; hỗ trợ kiềm chế lạm phát, ổn định giá xăng dầu khi giá xăng dầu trên thế giới biến động lớn, Chính phủ nhận định.
Thảo luận sau khi nghe kết quả giám sát, liên quan đến đề nghị bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khi làm việc với Tổng công ty xăng dầu thì doanh nghiệp này nói nếu bỏ quỹ sẽ ảnh hưởng đến điều tiết giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát rất khó khăn.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần phải làm cân nhắc thật kỹ khi bãi bỏ, sắp xếp lại các quỹ ngoài ngân sách, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cho biết đã làm việc kỹ với đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ nhất trí với các kiến nghị của đoàn giám sát. Kiến nghị về sắp xếp các quỹ cũng cơ bản theo định hướng của Chính phủ, Bộ cũng đã báo cáo sửa nghị định 83 trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Hà Vũ