Thỏa thuận thương mại, Intel, Trump/Powell – những yếu tố đang tác động đến thị trường
Investing.com -- Khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao chưa từng có lên hàng hóa Trung Quốc, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ, buộc Trung Quốc phải tìm cách tiêu thụ hàng trong nước. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này đang đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào nguy cơ giảm phát sâu hơn.
Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp lớn như JD.com, Tencent và Douyin đã tích cực hỗ trợ các nhà xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, thông qua các chương trình giảm giá sâu. JD.com cam kết chi 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) để hỗ trợ, giảm giá sản phẩm từng định xuất sang Mỹ tới 55%.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Thịnh Khâu Bình kêu gọi các địa phương phối hợp ổn định xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng, nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa như “lá chắn” ứng phó cú sốc bên ngoài.
Tuy nhiên, hệ quả là một cuộc chiến giá khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước, làm xói mòn lợi nhuận, tăng tồn kho và ảnh hưởng việc làm. Theo Barclays, việc bán hàng với giá thấp hơn tại nội địa chỉ giúp giải phóng hàng tồn và duy trì dòng tiền tạm thời, nhưng không tạo ra lợi nhuận bền vững.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc đã giảm hai tháng liên tiếp trong tháng 2 và 3, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 29 liên tiếp. Morgan Stanley dự báo PPI tháng 4 sẽ giảm thêm, xuống 2,8%. Goldman Sachs (NYSE:GS) nhận định CPI cả năm có thể về 0%, còn PPI giảm 1,6%.
Tình trạng dư thừa sản xuất càng trầm trọng khi năng lực sản xuất khó điều chỉnh kịp với biến động thuế. Dù Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức 5%, Goldman dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 4%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế hàng Trung Quốc lên 145%, mức cao nhất trong 100 năm, khiến Bắc Kinh đáp trả với mức thuế 125%. Ngoài ra, Mỹ cũng chấm dứt quy định miễn thuế cho hàng hóa giá trị thấp từ các nền tảng như Shein và Temu, làm suy giảm mạnh dòng tiền của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc.
Hệ quả là nhiều công ty xuất khẩu phải thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa. Theo Goldman Sachs, hơn 16 triệu việc làm – hơn 2% lực lượng lao động Trung Quốc – gắn liền với sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị được dự báo có thể vượt mức mục tiêu 5,5% và chạm mốc 5,7%.
Dù có nhiều lời kêu gọi kích thích kinh tế, Bắc Kinh vẫn chưa tung các gói hỗ trợ mạnh, với quan điểm rằng giá thấp có thể giúp người dân tiết kiệm nhiều hơn trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
Theo giáo sư Lâm Nghị Phu (ĐH Bắc Kinh), Trung Quốc vẫn có thể sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để kích cầu. Ông cho rằng Mỹ sẽ mất ít nhất 1–2 năm để đưa sản xuất về nội địa, trong khi Trung Quốc vẫn giữ được năng lực sản xuất. Do đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu mức giá cao trong thời gian tới.