Vietstock - TPHCM đã giải ngân được 474 tỷ trong gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM chia sẻ ý nghĩa và kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản trên địa bàn TPHCM.
Gói tín dụng 15,000 tỷ đồng được các tổ chức tín dụng đăng ký triển khai thực hiện để hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản là chương trình hành động cụ thể của ngành ngân hàng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản và thủy sản. Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã giải ngân được 474 tỷ đồng cho 196 khách hàng, gồm 149 khách hàng cá nhân, hộ gia đình và 47 khách hàng doanh nghiệp.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giải ngân cho vay lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung và dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, chương trình đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Cụ thể:
Thứ nhất, giúp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực này trên địa bàn đạt 355 tỷ đồng, chiếm 78.1% tổng dư nợ cho vay lâm sản, thủy sản từ gói tín dụng hỗ trợ. Nếu phân theo mục đích sử dụng vốn, dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 240 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67.6% dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản trên địa bàn (theo gói tín dụng hỗ trợ 15,000 tỷ đồng từ các TCTD đăng ký tham gia).
Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động thu mua, tiêu thụ lâm sản. Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ từ gói tín dụng này đối với lĩnh vực thu mua, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn đạt 75 tỷ đồng, chiếm 76% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn từ chương trình này. Trong khi đó, cho vay chế biến, bảo quản lâm sản đạt 24 tỷ đồng, chiếm 24%.
Thứ ba, lãi suất cho vay thấp. Với tiêu chí lãi suất cho vay của gói tín dụng này thấp hơn từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân, việc giải ngân cho vay đã giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ từ 4-6%/năm và lãi suất cho vay ngoại tệ từ 3.5-5.5%/năm đã tạo điều kiện cho khách hàng giảm được chi phí vay vốn, hỗ trợ tài chính và giảm chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp, người dân duy trì và ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn và phát triển. Đặc biệt, lãi suất cho vay thấp cũng khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản - lĩnh vực có lợi thế quốc gia và là động lực tăng trưởng, nhất là dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Nếu các hoạt động này được duy trì và phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Mặc dù lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản không phải là lĩnh vực chủ yếu và chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của Thành phố song lĩnh vực này vẫn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội gắn với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của Thành phố, với chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững và du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng trên địa bàn thông qua hoạt động ngân hàng và giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15,000 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản trên địa bàn gắn với yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TPHCM giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
Hàn Đông