Vietstock - Thủy sản khó đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD
Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới khiến giá thủy sản ở mức thấp. Việc duy trì giá trị xuất khẩu tương đương năm 2018, khoảng 8,8 tỉ USD, đã là dự báo lạc quan.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa số liệu xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2019 đạt 4,6 tỉ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý III/2019 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, rất khó đạt được mục tiêu 10 tỉ USD đã đề ra hồi đầu năm.
Hai ngành hàng chủ lực của thủy sản xuất khẩu là tôm và cá tra đều gặp khó. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018 (mục tiêu xuất khẩu năm 2019 là 4,2 tỉ USD). Nguyên nhân được VASEP đưa ra là do giá tôm giảm, các thị trường chính giảm nhập và sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Ecuador. Dù vậy, VASEP kỳ vọng những tháng cuối năm xuất khẩu tôm sẽ nhích dần lên nhờ tranh thủ thị phần từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu nhập khẩu nhích lên trong nửa cuối năm và cạnh tranh từ Ấn Độ giảm bớt do thị trường này đã qua vụ thu hoạch chính.
Thủy sản đang ở chu kỳ giá thấp.
|
Trong khó khăn chung của ngành tôm, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) dù đã tăng sản lượng xuất khẩu lên 10% - 15% trong 8 tháng đầu năm nhưng giá trị lại giảm 1% so với cùng kỳ. Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết giá tôm giảm là nguyên nhân chính dẫn đến giá trị xuất khẩu giảm. "Các nhà nhập khẩu căn cứ vào giá nguyên liệu tôm từ nước xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ để đàm phán giá tôm chế biến. Ấn Độ tăng sản lượng, giảm giá 10%-12%. Ngoài ra, Trung Quốc là nước xuất khẩu tôm giá trị gia tăng lớn, đồng tiền của họ đang mất giá cũng kéo giá xuất khẩu từ những thị trường khác xuống theo" - ông Lĩnh giải thích. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), năm nay sản lượng tôm nuôi không như dự kiến, nguồn nhập khẩu không đáng kể nên xuất khẩu không tăng. Khả năng hết năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất bằng năm 2018 hoặc giảm chút đỉnh.
Tương tự, đối với cá tra, mặc dù mục tiêu xuất khẩu năm 2019 đề ra chỉ bằng năm 2018, tức 2,3 tỉ USD, nhưng rất khó đạt được. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. VASEP dự báo sang quý III, xuất khẩu cá tra sẽ tăng trở lại nhưng không quá mức 15%. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết doanh nghiệp và người nuôi cá đang gặp khó khăn, nếu tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Tình hình hiện nay rất cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường để gia tăng lượng xuất khẩu, giải phóng hàng tồn. Bên cạnh đó, cũng cần chính sách cụ thể để phát triển thị trường nội địa bởi thị trường gần 100 triệu dân rất lớn nhưng hiện tiêu thụ chưa tới 5% sản lượng cá tra sản xuất được. "Cá tra là loài thủy sản nuôi sạch, giá rẻ so với nhiều loài cá khác nên nếu được hỗ trợ bước đầu để xây dựng kênh phân phối nội địa sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường" - ông Quốc nói.
Lợi nhuận thấp một phần do giá thành cao Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết nông dân hạn chế nuôi vụ mới nên từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm khó tăng cả về sản lượng lẫn giá trị do nguyên liệu sụt giảm. Tuy vậy, các nhà nhập khẩu vẫn còn tôm tồn kho giá thấp đã mua trước đó. "Điểm yếu của ngành tôm Việt Nam là giá thành tôm nuôi cao hơn thế giới, nếu hạ được giá thành thì lợi nhuận sẽ tăng. Điều bất hợp lý là nguyên liệu thức ăn thủy sản đang ở mức thấp nhưng giá thức ăn cho tôm không hề giảm" - ông Lĩnh đặt vấn đề. |
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH