Vietstock - Thừa tiền và tắc nghẽn vốn
Lãi suất thấp nhưng dòng vốn vẫn đổ vào các ngân hàng, đến lượt mình thì các ngân hàng lại đổ tiền vào kênh TPCP hoặc lướt sóng ngoại tệ, tất cả những diễn biến này phản ánh tình trạng thừa tiền đang diễn ra như thế nào.
Thừa tiền
Sau khi huy động thành công 298,476 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2023, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao (305,000 tỷ đồng), Kho bạc Nhà nước trong năm 2024 đặt kế hoạch phát hành 400,000 tỷ đồng TPCP, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong bối cảnh chính sách tài khóa duy trì mở rộng và các dự án đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Thống kê lũy kế 2 tháng đầu năm nay, tổng giá trị TPCP đã phát hành đạt 47,679 tỷ đồng, tương đương 12% so với kế hoạch.
Trong đó, riêng giá trị TPCP trúng thầu trong tháng 2 vừa qua đạt 28,170 tỷ đồng, tăng 44% so với tháng 1 (trúng thầu 19,509 tỷ đồng). Tỷ lệ giá trị trúng thầu/ gọi thầu của tháng 2 cũng tăng vọt lên mức 95%, từ mức 50% của tháng trước đó, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023 đến nay. Tỷ lệ giá trị đăng ký đấu thầu/ gọi thầu cũng tăng từ mức 199% của tháng 1 lên 231% trong tháng 2, cho thấy lực mua trên thị trường TPCP đang rất mạnh mẽ.
Diễn biến sôi động của thị trường TPCP trong tháng 2 là rất đáng chú ý, với giá trị trúng thầu tăng mạnh so với các tháng trước đó, dù tháng 2 rơi vào dịp nghỉ tết Nguyên đán dài ngày. Mức lãi suất trúng thầu trong tháng 2 cũng nhích tăng so với tháng 1, với kỳ hạn 10 năm trong vùng 2.29-2.31%, tăng 0.03 – 0.14% so với tháng 1; kỳ hạn 15 năm cũng có mức tăng tương tự lên vùng 2.49-2.51%. Trong khi lãi suất các thị trường khác vẫn ổn định, xu hướng đi lên trở lại của lãi suất TPCP là đáng chú ý và cần quan sát thêm.
Là nhà đầu tư lớn trên thị trường TPCP, sự sôi động của thị trường TPCP trong tháng 2 cũng là tín hiệu cho thấy các ngân hàng đang thừa tiền nên có lẽ đã tham gia tích cực hơn vào kênh đầu tư này. Việc NHNN những ngày qua mở lại kênh phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về càng cho thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa ra sao.
Với huy động vốn năm 2023 tăng trưởng tích cực, cộng thêm lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng bất ngờ tăng vọt trong tháng 12, đã khiến không ít nhà băng rơi vào cảnh thừa vốn nhàn rỗi. Bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống, dòng tiền vẫn chạy vào kênh tiết kiệm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại và các kênh đầu tư khác còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giai đoạn đó.
Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu nhóm ngân hàng phát hành cả năm 2023 là 176,006 tỷ đồng, còn con số lũy kế 11 tháng 2023 công bố trước đó là 120,058 tỷ đồng. Như vậy riêng tháng 12 nhóm ngân hàng đã phát hành đến 55,948 tỷ đồng, chiếm gần 32% tổng giá trị phát hành cả năm, càng giúp nguồn vốn của các nhà băng thêm dồi dào.
Nhưng tắc nghẽn vốn
Lãi suất thấp nhưng dòng vốn vẫn đổ vào các ngân hàng, đến lượt mình các ngân hàng lại đổ tiền vào kênh TPCP hoặc lướt sóng ngoại tệ, tất cả những diễn biến này phản ánh tình trạng thừa tiền đang diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, ở những khu vực khác mọi thứ lại không diễn ra như vậy, thậm chí còn xảy ra hiện tượng tắc nghẽn vốn, đơn cử như kênh trái phiếu doanh nghiệp và kênh tín dụng của các ngân hàng.
Có lẽ các cơ quan quản lý cần phải sớm có những giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa, giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài, để tìm đầu ra cho sản xuất trong nước. Khi đó, dòng vốn tín dụng ngân hàng sẽ có cơ hội rót vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thay vì tìm đến những khu vực có rủi ro cao. |
Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 2 vẫn đang giảm 0.72% so với đầu năm. Trong khi nguồn vốn tại các ngân hàng vẫn dồi dào, tăng trưởng tín dụng âm không chỉ do tác động bởi yếu tố mùa vụ, mà có thể còn phản ánh khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn rất yếu, khi thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoặc ngừng hoạt động, do thiếu hụt đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ.
Chính vì vậy, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong 1 năm qua, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có động lực vay vốn, khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị chững lại, trước triển vọng nền kinh tế cũng không mấy khả quan. Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng. Về phần mình, các nhà băng cũng thận trọng hơn trong các chính sách phát triển tín dụng trước rủi ro nợ xấu gia tăng và nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm.
Một số dự báo cho rằng trong thời gian tới, khi các nền kinh tế bắt đầu giảm lãi suất trở lại, cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ phục hồi, đơn hàng nối trở lại, từ đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong nước cũng tăng trưởng tích cực hơn. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy các ngân hàng trung ương có thể phải neo lãi suất cao thêm một thời gian nữa để đưa lạm phát về lại mục tiêu kiểm soát.
Do đó, có lẽ các cơ quan quản lý cần phải sớm có những giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa, giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài, để tìm đầu ra cho sản xuất trong nước. Khi đó, dòng vốn tín dụng ngân hàng sẽ có cơ hội rót vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thay vì tìm đến những khu vực có rủi ro cao.
Số liệu mới đây của NHNN cũng cho biết trong mức sụt giảm tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu nay, mức giảm diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, chỉ riêng có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0.23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2.56% so với cuối năm 2023.
Đây là một diễn biến cần lưu ý, cho thấy khi nền kinh tế thừa tiền, ngân hàng thừa tiền, mặt bằng lãi suất thấp, nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn yếu kém, trước áp lực thường trực phải thúc đẩy tăng trưởng cho vay, dòng vốn tín dụng có thể buộc phải tìm đến các kênh đầu tư có tính rủi ro cao như chứng khoán hay bất động sản. Xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong hơn nửa năm qua đã phần nào phản ánh dòng vốn đang chuyển sang tập trung vào đây.
Mặt khác, một lượng vốn của các ngân hàng cũng sẽ tăng cường lướt sóng đầu cơ ngoại tệ, với diễn biến tỷ giá liên tục leo thang gần đây, hoặc đẩy mạnh rót vào thị trường TPCP, mà có thể dẫn đến hiệu ứng “lấn át” vốn, trong đó khu vực công chèn lấn khu vực đầu tư tư nhân - vốn đã suy yếu đáng kể trong hơn 3 năm qua do ảnh hưởng bởi hậu quả kéo dài của đại dịch Covid 19.
Phan Thụy