Vietstock - Tập đoàn Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
Sự hiện diện của các nhà đầu tư tên tuổi Mỹ tại Việt Nam sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để nước ta thu hút giới đầu tư các nước khác.
Theo Bộ KH&ĐT, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ đang chảy mạnh vào Việt Nam (VN). Trong bốn tháng đầu năm nay, các công ty Mỹ đã đầu tư vào VN đạt gần 170 triệu USD.
Lũy kế đến tháng 4 vừa qua, các công ty Mỹ đã đầu tư vào VN gần 1.200 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỉ USD. Con số này cao thứ 11 trong 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại nước ta.
Tạo ấn tượng tốt
Đến nay, dòng vốn FDI của Mỹ vào VN dù vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều nước nhưng dấu ấn của các công ty Mỹ rất mạnh mẽ. Đó là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, lâu dài cũng như mang đến công nghệ mới, việc làm, kiến thức kỹ thuật và chuyên môn, gia tăng ngoại hối… Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh tế VN.
Việt Nam đã trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng Nike (NYSE:NKE). Ảnh: TL |
Chẳng hạn Tập đoàn General Electric (GE) đã có gần 30 năm đầu tư tại VN trong nhiều lĩnh vực từ truyền tải điện, hàng không đến thiết bị y tế. Từ đó đã góp phần hiện đại hóa ngành điện, y tế, dầu khí VN. Ngoài ra, tập đoàn này còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng “made in Vietnam” là các động cơ máy bay ra thị trường toàn cầu.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và tìm kiếm các cơ hội phát triển tại thị trường VN” - ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc GE VN, khẳng định.
Thực tế, không chỉ GE cam kết đầu tư mở rộng tại VN mà nhiều ông lớn khác như Intel (NASDAQ:INTC) đã đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD; Universal Alloy Corporation chuyên sản xuất các thiết bị điện tử cho máy bay do Boeing (LON:SBA) và Airbus chế tạo đã đầu tư 170 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
Ngoài ra, các tên tuổi hàng đầu nước Mỹ cũng đã hiện diện tại VN như Apple (NASDAQ:AAPL), Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Google… Đặc biệt, hãng Boeing mới đây cho biết muốn mở rộng các cơ sở tại VN để cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước. Nhiều tập đoàn khác cũng đang muốn gia tăng vốn đầu tư vào VN.
Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN cho biết gần 80% nhà đầu tư (NĐT) Mỹ tại VN đánh giá rất tích cực hoặc khả quan về triển vọng trung lẫn dài hạn về VN và đã lên kế hoạch đầu tư thêm.
Còn nhiều tiềm năng chưa khai phá
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, hiện nay cùng với mối quan hệ đầu tư và thương mại ngày càng sâu rộng thì các công ty Mỹ đang tăng tốc mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh tại VN.
“Tôi đánh giá chuyến thăm và làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đây cũng là cơ hội cho VN thu hút thêm các NĐT Mỹ nhiều hơn. Nền tảng cho điều này là VN hiện nay đang có sự tăng trưởng khá ấn tượng, sức hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta ký kết. Ngoài ra, VN nổi lên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các chính sách đầu tư VN đang thay đổi theo hướng phù hợp hơn với các tiêu chí thúc đẩy đầu tư của Mỹ” - ông Hải phân tích.
TS Majo George, Trường ĐH RMIT VN, cũng nhìn nhận một khi VN có những cải cách mới sẽ có nhiều dòng vốn FDI từ Mỹ. Bởi trong khu vực Đông Nam Á, VN được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các NĐT nước ngoài do có vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu và là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển.
“Tầm quan trọng của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ. Chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc, nhu cầu đa dạng hóa nguồn đầu vào và chuỗi cung ứng do đại dịch đang hỗ trợ VN trở thành điểm đến ưa thích của các NĐT Mỹ” - vị chuyên gia Trường ĐH RMIT VN nhận xét.
Các công ty Mỹ có xu hướng sử dụng năng lượng sạch trong các hoạt động kinh doanh tại VN. |
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng VN vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao của Mỹ. Đó là các công ty Mỹ có xu hướng sử dụng năng lượng sạch trong các hoạt động kinh doanh tại VN. Do đó đòi hỏi VN phải mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng để hỗ trợ NĐT, mà nếu thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước.
“Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm xanh hóa các ngành hàng bao gồm từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại…, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút vốn từ Mỹ. Ngoài ra, VN cần khắc phục những điểm còn hạn chế của hệ thống luật pháp để phù hợp với thông lệ quốc tế; sẵn sàng thực thi quyền sở hữu trí tuệ; cải thiện sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao... Nếu khắc phục những điểm yếu này thì đầu tư của Mỹ vào VN sẽ gia tăng” - ông Hải nói.
TS Majo George cũng gợi ý rằng VN có thể áp dụng quy trình phê duyệt FDI nhanh chóng. Chẳng hạn như phê duyệt một cửa thay vì các NĐT FDI phải đến nhiều văn phòng để được phê duyệt. “VN cần đưa ra nhiều cải cách thân thiện với NĐT hơn nữa và có nhiều hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và VN. Các NĐT là các nhà kinh doanh, vì vậy hãy đối xử với họ như những nhà kinh doanh một cách chuyên nghiệp. Điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút dòng vốn từ Mỹ cũng như từ các nước khác vào nước ta” - TS George khuyến nghị.•
Đòn bẩy thu hút đầu tư các nước vào Việt Nam TS Majo George nhìn nhận dòng vốn FDI của Mỹ chảy vào VN nhiều hơn sẽ giúp nâng cao mức sống cũng như hình ảnh đất nước như một điểm đến thân thiện để đầu tư. Đặc biệt sự hiện diện của các NĐT tên tuổi Mỹ tại VN sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để thu hút giới đầu tư các nước khác vào VN. Tuy nhiên, VN cần nâng cao chất lượng lực lượng lao động, thu hút thêm nhiều lao động có kỹ năng, chuyên nghiệp; khuyến khích năng lực ngoại ngữ của người lao động; giới thiệu hiệu quả các gói ưu đãi và hấp dẫn dành cho FDI. Tất cả điều này sẽ giúp VN thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn từ nước ngoài. Đại diện nhiều tập đoàn Mỹ cũng khẳng định môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô ổn định của VN thuận lợi cho các NĐT nước ngoài. Song có nhiều điểm cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Đó là cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp nội địa, việc ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng. |
PHƯƠNG MINH