Vietstock - Sở Y tế Quảng Nam 'xin' trả lại máy xét nghiệm 7,2 tỷ đồng
Sau gần một tháng mua hệ thống xét nghiệm với giá 7,2 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đề xuất "trả lại" cho doanh nghiệp.
Chiều 29/4, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp nghe các ngành chức năng và doanh nghiệp giải trình việc mua bán hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay hệ thống này được mua để đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn. Trước khi mua, Sở Y tế Quảng Nam đã tham khảo nhiều tỉnh và ba doanh nghiệp báo giá. Trong đó, Công ty Giải pháp Việt đưa ra giá hơn 7,5 tỷ đồng; hai đơn vị còn lại báo giá 9,7 tỷ đồng và 9,3 tỷ đồng.
"Chúng tôi chọn doanh nghiệp có giá thấp nhất rồi đàm phán giảm xuống 7,2 tỷ đồng", ông Hai nói và thông tin hệ thống xét nghiệm đưa vào sử dụng ngày 1/4, đến nay đã làm được gần 2.000 mẫu.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam giải trình tại cuộc họp chiều 29/4. Ảnh: Đắc Thành.
|
"Hiện hệ thống này chưa nghiệm thu nên chưa thanh lý hợp đồng. Việc mua sắm thực hiện đúng theo quy định, không hề tiêu cực", ông nói và bật khóc tại cuộc họp nên xin phép ra ngoài.
Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam, cũng khẳng định "quá trình thực hiện là đúng, còn về mức giá 7,2 tỷ đồng ngành tài chính không thể đánh giá đắt hay rẻ".
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải pháp Việt trình bày, khi biết Quảng Nam ghi nhận bệnh nhân dương tính với Covid-19, doanh nghiệp đã chủ động báo giá và cấu hình máy đến Sở Y tế.
Theo bà Tuyến, Công ty mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR qua một đơn vị nhập khẩu và được chào hàng 5,2 tỷ đồng; chi phí hóa chất 550 triệu đồng cùng 50 triệu đồng phí chuyên gia lắp đặt (tổng 5,8 tỷ đồng).
Công ty Giải pháp Việt thực hiện hợp đồng trọn gói với Sở Y tế Quảng Nam là 7,2 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận trước thuế 1,4 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 120 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 261 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế còn hơn một tỷ đồng.
Lê Thị Tuyến, Giám đốc công ty cổ phần thương mại đầu tư Giải pháp Việt. Ảnh: Đắc Thành.
|
"Nay chúng tôi chủ động đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,8 tỷ đồng, giảm lợi nhuận như một sự đóng góp nhỏ bé để góp phần phòng, chống dịch ở Quảng Nam", bà Tuyến nói với giọng nghẹn ngào.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Hai đề xuất phương án Công ty Giải pháp Việt "lấy lại máy" cùng với lời xin lỗi của ông. "Trong vụ này, tôi là người chịu trách nhiệm nếu để chuyện gì đó xảy ra", ông Hai nói. Tuy nhiên, ý kiến "trả lại máy" của ông không được thảo luận tại cuộc họp.
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Đắc Thành.
|
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay đã giao lực lượng chức năng thanh tra đột xuất các gói thầu phòng chống Covid-19, bao gồm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/5.
"Nếu phát hiện sai phạm thì chuyển công an điều tra", ông Thanh nói và yêu cầu Sở Y tế chưa chuyển tiền thanh toán hợp đồng cho doanh nghiệp.
Trước đó ngày 22/4, liên quan gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động ở Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng".
Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) và 6 người với cáo buộc gian lận mua máy xét nghiệm.
Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.
*Ai 'thổi' loạn giá, ai trục lợi việc mua bán máy xét nghiệm Covid-19?
*CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm Covid-19 chênh gấp 3 lần giá nhập vào
Đắc Thành