Vietstock - Lo Việt Nam trở thành nước 'siêu nhập khẩu' heo, bò, gà
Năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam là 3,53 tỉ USD trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD.
Mới đây các Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội gia cầm Việt Nam gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tháo gỡ một số bất cập trong ngành.
Nhập khẩu chính ngạch chủ yếu là thứ phẩm
Cụ thể, hiện nay các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa chặt chẽ. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu khiến sản phẩm chăn nuôi Việt Nam bị yếu thế, thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Theo thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỉ USD trong khi Việt Nam xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Ngoài ra, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của cơ quan chức năng, năm 2023 và những tuần đầu năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con heo thịt (100-120kg/con) nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống...
Việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi đang là vấn đề hệ trọng gây rất nhiều rủi ro, hệ lụy. Đó là lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm.
Gây áp lực cạnh tranh không công bằng với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Hiện nay các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch phần lớn gồm đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại...là thứ phẩm ở các nước ít dùng làm thực phẩm.
Chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng ½ giá trong nước cùng loại khi nhập về.
Hơn nữa, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi làm mất động lực đầu tư của DN, người chăn nuôi trong nước. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.
Theo các hiệp hội, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ ba đến năm năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về 0%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Đây có thể là một ngoại lệ diễn ra quá nhanh so với nhiều nước trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi, DN có thể thích nghi được.
Heo, trâu, cừu nhập khẩu được siêu thị nhập khẩu chính ngạch bán tại siêu thị. ẢNH: TÚ UYÊN
|
Hạn chế các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống
Theo các hiệp hội, sản xuất và thương mại chăn nuôi trong nước đối mặt rất nhiều thách thức đó là giá thức ăn, thuốc thú y, vật tư đầu vào liên tục tăng cao, giá đầu ra các sản phẩm chăn nuôi luôn đứng ở mức thấp.
Tình trạng nhập siêu các sản phẩm chăn nuôi khiến nhiều hộ chăn nuôi, các DN vừa và nhỏ thua lỗ kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt trong thời gian tới.
Vì vậy các hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an…tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Đối với nhập khẩu chính ngạch, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại. Trong đó tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam.
Kinh nghiệm của một số nước làm rất hiệu quả như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... Ví dụ, họ đưa ra các yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống.
Trong khi Việt Nam có trên 30 cửa khẩu các loại được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào trong nước.
Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này.
TÚ UYÊN