Theo Lan Nha
Investing.com - Sau hơn 6 năm kể từ lần trình đầu tiên, một số nội dung trong Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR (HN:VNR)) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng thu gọn đầu mối tổ chức, đơn vị thành viên. Điểm nhấn quan trọng nhất là việc Thủ tướng đồng ý để VNR thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 chi nhánh thành 3 chi nhánh; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 ban quản lý dự án đường sắt để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư và chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án còn lại.
Ngoài ra, trong Đề án Cơ cấu lại VNR trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022 với thời gian thực hiện chuyển từ giai đoạn 2017 - 2020 sang 2021 - 2025, VNR kiến nghị:
- Duy trì tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt.
- Tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (trên 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% tại 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.
- Tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, VNR sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại 2 đơn vị này xuống còn 51%, trình Thủ tướng phê duyệt.
Thủ tướng đồng ý để VNR hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) thành 1 công ty cổ phần.