Sáng 18/3/2024, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Sáng 18/3, tại phiên họp thứ 31 của tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính gồm:
(1) Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
(2) Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng;
(3) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
(4) Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Quốc phòng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Có cần thanh tra toàn diện các công ty bảo hiểm nhân thọ?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, đã có nhiều đại biểu phát biểu chất vấn liên quan đến thị trường bảo hiểm nhân thọ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, nên chăng cần phải thanh tra toàn diện và diện rộng đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý được tốt hơn trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về thanh tra toàn diện tất cả các công ty bảo hiểm không, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và kế hoạch trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm. Như vậy lần lượt sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở, những vi phạm, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm…để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; kịp thời xử lý sai phạm để bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Trách nhiệm trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời?
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp xây dựng khung giá bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá bán buôn, giá truyền tải điện. Đã có một thời gian rất dài nhiều cơ sở điện gió, điện mặt trời xây dựng xong nhưng không có khung giá để hòa điện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã có trách nhiệm và đã thực hiện trách nhiệm này như thế nào trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời cũng như khung giá bán lẻ?
Bên cạnh đó, theo Luật Giá, việc khai giá và việc hình thành cơ sở dữ liệu về giá là công cụ quan trọng để quản lý thị trường giá để đảm bảo lành mạnh và minh bạch. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn dữ liệu cho việc thẩm định giá. Trong thời qua, nhiều cơ quan thẩm định giá từ chối không thẩm định do không có cơ sở dữ liệu chắc chắn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc kê khai và hình thành cơ sở dữ liệu về giá như thế nào?
Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường về giá bán lẻ điện và khung giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công thương chủ trì để xây dựng các biểu giá điện, sau đó Bộ Tài chính sẽ có ý kiến với Bộ Công Thương trước khi trình Chính phủ. Vấn đề xây dựng giá điện cho điện mặt trời và điện gió, gắn với Quy hoạch điện 8 để triển khai đến đâu, thời kỳ nào và để tính toán xác định khung giá và xác định giá bán lẻ.
Về hình thành cơ sở dữ liệu về giá để thực hiện kê khai giá và quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Cục Giá của Bộ Tài chính đã xây dựng dữ liệu về giá và đã cấp 824 tài khoản để khai thác cơ sở dữ liệu giá của Bộ Tài chính. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng dữ liệu giá một cách đồng bộ công tác thu thập và thống kê, công tác lưu giữ là hết sức quan trọng. Do đó, các Sở Tài chính của các tỉnh, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải chuyển giá đến Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Khi có cơ sở dữ liệu giá tốt thì sẽ quản lý giá tốt.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Giải pháp giảm chi phí phát hành xổ số trong thời gian tới?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay doanh thu của thị trường xổ số đạt khoảng 153.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 50% để trả thưởng, còn khoảng 45.000 tỷ đồng nộp về ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, như vậy chi phí phát hành là tương đối cao.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cụ thể hơn về chi phí in ấn, phát hành xổ số, đồng thời đưa ra những giải pháp để giảm được chi phí phát hành xổ số để tăng thu cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Hoàn về chi phí kinh doanh xổ số, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chi phí hoa hồng chiếm đến 15%, còn các chi phí khác như in ấn, liên kết…Bộ sẽ tìm hiểu kĩ thêm và có trả lời cụ thể bằng văn bản.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn đặt cược, cá cược bất hợp pháp?
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, qua 7 năm kể từ ngày Nghị định 06 có hiệu lực đã phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, có nguồn thu cho NSNN, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt góp phần ngăn chặn đặt cược, cá cược bất hợp pháp, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu mở rộng hình thức tín dụng cho người tham gia BHXH để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo về kinh doanh cá cược, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với kinh doanh cá cược bóng đá, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật, dự kiến sớm trình Chính phủ ban hành.
Đối với kinh doanh cá cược đua ngựa và đua chó hiện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, hiện Bộ Tài chính chưa tiếp nhận được hồ sơ để cấp phép. Đối với, dự án kinh doanh cá cược đua ngựa tại trường đua ngựa ở Sóc Sơn đã có giấy phép nhưng đang vướng mắc về vấn đề góp vốn.
Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai loại hình này, tuy nhiên loại hình này gắn liền với một loạt các điều kiện khác như: đất đai, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường liên quan đến đất lúa hay đất rừng, thu hồi đất, giao đất... Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai vấn đề này.
Về rút cái bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ về sáng kiến về phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay và giữ lại khoản này.
>> [Tổng thuật] Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024