Vietstock - HSBC: Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng
Dù đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý 1/2022 nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài, tuy nhiên, HSBC vẫn dự báo GDP giảm nhẹ và lạm phát tăng lên.
Sản xuất hàng dệt may tại Công ty 29/3. (Ảnh: Vietnam+)
|
Ngày 31/3, Ngân hàng HSBC phát hành báo cáo "Vietnam at a glance" cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, cộng thêm việc Việt Nam đã mở cửa biên giới từ giữa tháng Ba, tạo điều kiện hồi sinh ngành du lịch nên hầu hết các ngành đã tăng tốc trở lại.
Sau cơn mưa, trời lại sáng
Chuyên gia HSBC nhận định mặc dù năm ngoái, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, tuy nhiên GDP quý 1/2022 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức kỳ vọng 4,7% của HSBC song thấp hơn chút so với mức dự báo chung của thị trường 5,5%. Con số này cho thấy một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng.
Nguyên do là động lực tăng trưởng bên ngoài đã tăng tốc trở lại. Không chỉ hưởng lợi từ chu kỳ công nghệ được kéo dài, các ngành trọng điểm khác cũng có kết quả rất tốt. Thêm nữa, tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi dù còn chậm.
“Điều đáng khích lệ là Việt Nam đã gia nhập đội ngũ các nước mở cửa biên giới từ giữa tháng Ba, tạo điều kiện sẵn sàng hồi sinh ngành du lịch đã bị tổn thương,” chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Tương tự quý 4/2021, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong quý 1/2022. Sản lượng sản xuất tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng hai con số của mảng điện tử. Thực tế, kết quả tích cực cũng phần nào được thể hiện ở động lực tăng trưởng bên ngoài đã mạnh mẽ trở lại.
Trong số đó, xuất khẩu tháng Ba tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng quý 1/2022 lên gần 13% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này chủ yếu đạt được là nhờ nhu cầu hàng điện tử tăng cao.
Bên cạnh điều kiện thuận lợi do chu kỳ công nghệ được kéo dài, xuất khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam cũng mạnh mẽ không kém như dệt may/da giày, máy móc và đồ gỗ. Kết quả xuất khẩu vượt bậc cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động nói chung đã giảm bớt, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù một số nơi vẫn phải đối mặt với tình trạng không đủ nhân công. Để ứng phó với tình hình đó, Chính phủ đã tăng số giờ làm thêm mỗi tuần từ 40 lên 60 nhưng không quá 300 giờ/năm áp dụng cho tất cả các ngành nghề, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đặt hàng tăng cao từ nay đến cuối năm 2022.
Mặc dù xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý 1/2022 thu hẹp xuống mức tối thiểu 0,8 tỷ USD. Kết quả này không ngoài tầm dự đoán vì bản chất lĩnh vực sản xuất của Việt Nam luôn cần phải nhập khẩu nhiều. Thực tế, nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và một nửa trong số đó là linh kiện điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu, giá nhiên liệu tăng cao là vấn đề thu hút sự quan tâm.
“Trước đây, chúng tôi đã từng nhắc đến tình trạng thiếu xăng dầu trong nước của Việt Nam, dữ liệu gần đây là minh chứng cho thấy xu hướng nhập khẩu dầu tăng cao sẽ còn tiếp diễn, chỉ tính riêng trong tháng Ba nhập khẩu dầu thô đã tăng gấp đôi còn nhập khẩu xăng tăng gấp bốn lần bức bình quân tháng cùng kỳ năm trước,” chuyên gia HSBC cho hay.
Có thể thấy cán cân thương mại bị thu hẹp lại khiến lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng giảm sút. Thực tế, Việt Nam ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai 1,1% GDP năm 2021, lần thâm hụt đầu tiên trong vòng bốn năm. Bất chấp lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh, thặng dư thương mại đạt khoảng 5% GDP không đủ bù đắp cho thiếu hụt nguồn thu nhập chính và nguồn thu từ du lịch sụt giảm.
Cũng theo HSBC, điểm sáng của năm 2022 chính là việc Việt Nam mở cửa lại biên giới chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh thu ngành du lịch. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có khả năng sẽ chậm.
Trước tác động do giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo Việt Nam sẽ có thêm một năm thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2022 mặc dù mức độ thâm hụt cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 0,2% GDP. Xét những khó khăn bên ngoài, HSBC cũng dự báo tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn nhưng đến cuối năm vẫn ở mức 22.800 đồng/USD.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2022 trên mọi lĩnh vực
|
Bên cạnh động lực tăng trưởng bên ngoài vững vàng, nhu cầu trong nước cũng dần phục hồi khi Việt Nam kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với COVID-19.” Mặc dù số ca nhiễm Omicron vẫn tăng, các cơ quan chức năng đã không tăng mức độ các biện pháp hạn chế như năm trước.
Việt Nam có thể tự tin như vậy chủ yếu là nhờ tăng tốc phủ vaccine, đến nay có khoảng 80% dân số đã được tiêm phòng đủ hai mũi, gần 50% được tiêm mũi tăng cường. Mặc dù vậy, một vài địa phương vẫn áp dụng biện pháp hạn chế khiến khả năng di chuyển của người dân nói chung trong quý 1/2022 dẫn đến tiêu dùng cá nhân tăng trưởng chậm lại ở mức 4,3% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức trước đại dịch.
Mặc dù vậy, vẫn có một tia sáng trong câu chuyện phục hồi trong nước của Việt Nam. Việc mở cửa hoàn toàn là rất quan trọng cho sự phục hồi của ngành dịch vụ bởi phần lớn ngành này phụ thuộc vào du lịch. Sau hai năm đóng cửa, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ từ 15/3.
GDP ở mức 6,2%, lạm phát 3,7%
Nhìn chung, đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý 1/2022 nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài. Mặc dù vậy, thử thách vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu. Vì vậy, HSBC đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (trước đây là 6,5%) sau khi xem xét các trở ngại tăng trưởng.
Đối với lạm phát, chuyên gia HSBC nhận định lạm phát năng lượng tiếp tục đà gia tăng, không ngừng tác động lên giá cả tiêu dùng. Lạm phát toàn phần tháng Ba tăng lên 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%.
Tương tự như những tháng trước đây, chi phí vận chuyển tăng cao vẫn là nguyên nhân chính. Thực tế, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng bẩy lần liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng Ba. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan chức năng đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu từ 1/4 tới cuối năm 2022.
“Trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao, chúng tôi dự báo xu hướng sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. Vì vậy, gần đây chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% (đầu năm là 2,7%) trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Điều may mắn là lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát,” chuyên gia HSBC phân tích.
Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, HSBC đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý 3/2022, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý 3/2022, tăng lên 4,5%./.
Thúy Hà