Vietstock - Giá nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp gỗ gặp khó
Thông thường, cao điểm xuất khẩu gỗ sẽ vào tháng 4 – 5 hàng năm nên thời điểm này hàng năm các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị đơn hàng. Tuy nhiên năm nay, các doanh nghiệp gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm…
Bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, các hoạt động giãn cách vì đại dịch đang tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn nhiều so với trước. Gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao.
Áp lực từ nhiều phía
Đại diện một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Quy Nhơn cho biết, hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà doanh nghiệp này mua chỉ là 172 - 175 USD/m3. Tương tự, một doanh nghiệp khác tại Quy Nhơn cũng chia sẻ, có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử.
Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dự trữ gỗ trong khoảng 1 - 3 tháng để đảm bảo tài chính, vốn lưu động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá xăng dầu, nguyên liệu tăng sốc là kịch bản không thể lường trước, chi phí sản xuất cứ thế tăng cao, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết mức giá gần 27.000 đồng/lít xăng đang vượt quá ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp, trong khi những vết thương kinh tế từ Covid-19 vẫn chưa hồi phục. "Mùa cao điểm xuất khẩu sắp đến nhưng doanh nghiệp gỗ lại đang chết đứng vì giá xăng dầu, cước vận tải. Đơn hàng dồn dập nhưng doanh nghiệp không dám ký dài hơi vì mọi thứ biến động quá nhanh, quá rủi ro. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của gỗ Việt trên thị trường quốc tế," ông Mạnh nói.
Là doanh nghiệp chuyên cung ứng gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất ở Đồng Nai, ông Nguyễn Xuân Thụy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh, cho biết một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là nguồn cung gỗ nguyên liệu đang chịu áp lực từ nhiều phía. Để có thể trụ vững, doanh nghiệp của ông từ nhiều tháng trước đã phải chủ động nguồn nguyên liệu dự trữ.
“Áp lực tăng giá gỗ nguyên liệu cho các đối tác sản xuất là hiện hữu, tuy nhiên trước mắt doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá là bởi các công ty sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa gỗ không phải là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày nên khó điều chỉnh nhanh như xăng dầu và các loại hàng hóa khác,” ông Thụy cho biết.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kết quả khả quan với 2,6 tỷ USD. |
Ngoài giá gỗ nguyên liệu thì các thành phần phụ trợ khác trong chế biến gỗ như ốc vít, ngũ kim cũng tăng. Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung ứng ốc vít cho chế biến gỗ nội thất ở Biên Hòa nhận định, giá sắt thép để chế tạo sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao. Các loại sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp chế biến gỗ cũng có thể ở một mặt bằng giá mới.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí, chuyên chế biến gỗ nội thất đánh giá, khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi giá cước vận tải biển tăng và thiếu hụt container rỗng. Khi còn phụ thuộc quá lớn vào những vấn đề này thì ngành sản xuất gỗ nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Thời gian giao hàng cho các đối tác nước ngoài vì thế cũng kéo dài hơn, khiến ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
5 Hiệp hội cùng hợp tác
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến các sản phẩm nội thất. Giá gỗ nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, trong khi nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam phần lớn vẫn còn ở giá trị thấp. Theo các doanh nghiệp, về lâu dài cần chủ động nguồn nguyên liệu gỗ, trong đó nâng cao chất lượng gỗ từ rừng trồng của Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Xuân Thụy, Việt Nam có nguồn gỗ từ rừng trồng lớn, trong đó có gỗ cao su, nhưng điều quan trọng là phải nỗ lực để đạt được các chứng chỉ, sự công nhận của thế giới đối với rừng bền vững. Đạt được các tiêu chí và được công nhận thì giá trị sản xuất, chế biến gỗ sẽ cao hơn nhiều khi xuất khẩu sang các thị trường lớn, trọng điểm như Âu - Mỹ… Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng gỗ trong nước như: keo, tràm, cao su lại có lợi nhuận tốt trong thời điểm khan hiếm nguyên liệu và giá cước vận tải tăng.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kết quả khả quan với 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng giá xăng dầu, cước vận tải đang kìm hãm đà tăng trưởng của ngành, Chính phủ cần sớm giảm thuế, bình ổn giá xăng dầu để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp.
Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cũng lưu ý: Việt Nam cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu (EU), Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến các sản phẩm nội thất.
|
Để phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD, mới đây, 5 hiệp hội ngành gỗ gồm: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA); Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA); Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.
Mục tiêu của sự hợp tác là nhằm liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
5 hiệp hội sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đề ra những định hướng và giải pháp hiệu quả; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, loại bỏ những doanh nghiệp gian lận, làm ăn phi pháp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại, đưa ngành gỗ Việt Nam phát triển "xanh" và bền vững.
Những tháng đầu năm 2022, nhiều đối tác cung ứng đồ nội thất bằng gỗ cho EU vẫn đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao làm hạn chế nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ cho thị trường này. Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường EU trong năm 2022 và những năm tới. |
Lưu Hà