Giá vàng tăng nhờ lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt dấy lên hy vọng về khả năng Fed chậm lại tiến trình nâng lãi suất khiến USD tiếp tục mất giá. Vàng đã đạt gần mức cao nhất trong 9 tháng vào thứ Sáu, tiến gần đến ngưỡng kháng cự quan trọng 1950 USD/ounce, do lạm phát Mỹ dịu đi và kỳ vọng tăng lãi suất đã thúc đẩy các giao dịch trú ẩn an toàn trái ngược.
Giá vàng giao ngay tháng 2 trên sàn Comex của New York ổn định ở mức 1.921,70 USD, tăng 22,90 USD, tương đương 1,2% trong ngày. Mức cao nhất trong phiên giao dịch hiện tại 1.925,25 USD/ounce, đây là mức cao nhất đối với hợp đồng tháng trước bằng vàng Comex kể từ mức cao nhất vào ngày 25 tháng 4 là 1.935,50 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA dự báo ngưỡng kháng cự của vàng là 1.950 USD/ounce. Nếu kim loại màu vàng phá vỡ được ngưỡng này, sẽ không có gì có thể ngăn thị trường phục hồi trở lại mức 2.000 USD/ounce. Theo ông, hiện tại có rất nhiều động lực để đẩy vàng lên cao và mức 2.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Theo Công cụ FedWatch của CME, các thị trường nhận thấy hơn 90% khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng tới. Việc các nhà đầu tư dự đoán Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn và đè nặng lên đồng USD.
Mặc dù giá vàng có thể tăng cao hơn vào tuần tới, nhưng một số nhà phân tích đã lưu ý các nhà đầu tư nên thận trọng ở các mức này và không nên chạy theo thị trường. Họ cho rằng các nhà đầu tư nên mua khi giá giảm. Nhà phân tích thị trường cao cấp Darin Newsom tại Barchart khuyên các nhà đầu tư nên hành động nhanh vì vàng có thể sẽ nhanh chóng bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Cuộc khảo sát về vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy tâm lý của cả các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư Phố chính đang tăng mạnh mẽ, với nhiều ý kiến cho rằng việc đạt được mục tiêu 2.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Cụ thể, trong số 18 chuyên gia tham gia khảo sát giá vàng tuần tới, 11 chuyên gia (tương đương 61%) lạc quan về giá vàng trong tuần tới; 3 chuyên gia (tương đương 17%) cho rằng giá vàng sẽ giảm trong tuần tới; 4 chuyên gia (tương đương 22%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang vào tuần tới.
Trong khi đó, với 825 người tham gia thăm dò trực tuyến, có 524 người (tương đương 64%) cho rằng giá vàng tăng vào tuần tới; 190 người khác (tương đương 23%) cho rằng giá sẽ giảm; trong khi 111 người còn lại (tương đương 13%) trung lập với vàng trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, thông thường giá vàng tăng khi lạm phát tăng, nhưng giá vàng tiếp tục tăng bất chấp lạm phát hạ nhiệt vì thị trường đang trông đợi đồng USD giảm và các đợt tăng lãi suất thấp hơn.
Các dự báo được đưa ra từ giới phân tích tài chính, giá vàng đang trong ngưỡng 1.900 - 1.925 USD/ounce, vì vậy có khả năng giá vàng sẽ không tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới, nhưng cũng không loại trừ khi vàng tăng nhà đầu tư sẽ chốt lời.
Nhà biểu đồ kỹ thuật Sunil Kumar Dixit của SKCharting.com cho biết trong phân tích của Investing.com rằng: “Vàng giao ngay cần ổn định ở mức trên 1.950 USD. “Có vẻ như không cần bàn cãi — để đạt được kỷ lục mới trên 2.000 đô la, bạn cần phải vượt qua 1.950 đô la.”
Giới đầu tư cũng kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc lãi suất càng được củng cố khi kết quả một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dung đã tăng lên 64,6, tăng đáng kể so với mức 59,7 được ghi nhận trong tháng 12/2022.
Đối với thị trường vàng trong nước, trong phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC ở mức 66,5- 67,5 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao.
Một phần nguyên nhân là do cung vàng miếng thương hiệu SJC trong nước hạn chế kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đến nay.