Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì lạm phát cao, khách hủy đơn hàng

Ngày đăng 16:20 31/08/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì lạm phát cao, khách hủy đơn hàng
GPR
-
TCM
-
STK
-

Vietstock - Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì lạm phát cao, khách hủy đơn hàng

Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xuất hiện dấu hiệu chững lại và triển vọng sắp tới cũng không mấy sáng sủa. Trong đó, nhiều nhóm hàng đã sụt giảm đáng kể.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 đạt hơn 30 tỷ USD, giảm 7.7% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 7.4%, đáng chú ý phân bón các loại lao dốc tới 33.3%.

Một số mặt hàng chiến lược khác cũng giảm so với tháng trước: Xơ, sợi dệt các loại giảm 16.4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7.5%; giầy dép các loại giảm 2.7%; dây điện và cáp điện giảm 2.3%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0.4%.

Đà giảm về xuất khẩu nhiều khả năng vẫn chưa dừng lại trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu và hàng tồn kho vẫn còn cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở ngành gỗ, thủy sản và dệt may đang bị khách hàng hủy đơn hàng hoặc hoãn giao hàng

Ngành dệt may: Đơn hàng đã bắt đầu giảm từ quý 3

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may vừa lập đỉnh mới trong tháng 7 và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD. Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 22.2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo chia sẻ từ CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), tình hình lạm phát mạnh và hàng tồn kho lớn tại Mỹ và châu Âu sẽ làm giảm đáng kể sức mua mặt hàng dệt may, qua đó ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 3-4/2022.

Sợi Thế Kỷ (HM:STK) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch Sợi Thế Kỷ, cho biết đơn hàng mới bắt đầu giảm trong quý 3 do lạm phát cao.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19.1%, giá cước vận tải cũng tăng cao gấp 3 lần, làm cho chi phí sản xuất trong nước của doanh nghiệp tăng hơn 20%.

Hơn nữa, EU - một trong những thị trường tiêu thụ dệt may lớn của doanh nghiệp - lại đang chứng kiến đồng Euro giảm giá sâu nhất 20 năm qua. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các đơn hàng.

“Cùng với áp lực lạm phát, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt”, TCM (HM:TCM) cho biết trong bản tin IR tháng 8.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán VnDirect dẫn lại lời của ban lãnh đạo các công ty may mặc rằng khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho Q3/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao.

Ngành gỗ ảm đạm trong những tháng cuối năm

Khác với dệt may, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã liên tục giảm trong 2 tháng 6-7/2022. Theo dự báo, trong các tháng cuối năm, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có thể bị giảm mạnh về doanh thu cũng như lượng đơn hàng tại thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Anh do lạm phát cao.

"Các con số cho thấy thị trường xuất khẩu gỗ từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết.

Vị chuyên gia này nói thêm trong bối cảnh lạm phát cao ở các thị trường như Mỹ, châu Âu và Anh, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Ngoài ra, có tới 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Diện - vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho biết hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc.

Doanh nghiệp thủy sản thấm đòn lạm phát

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng nóng trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại.

Lượng tồn kho tăng cùng với lạm phát đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, do vậy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đã giảm 8% trong tháng 6 và tiếp tục giảm sâu 23% trong tháng 7.

“Doanh số xuất khẩu thủy sản như cá tra, tôm đều giảm do thấm đòn từ mức lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới”, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), cho biết tại hội thảo nhu cầu và xu hướng thủy sản hậu COVID-19. “Hiện tại, vì lượng tiêu thụ không cao như trước nên hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu vẫn còn rất lớn. Thậm chí, nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu hoãn hoặc hủy hợp đồng”.

Các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1-5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nhiều nhà nhập khẩu sẽ không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10/2022.

Với cá tra, xuất khẩu đã giảm tốc mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 trong tháng 7. Theo VASEP, sau khi đạt đỉnh 310 triệu USD vào tháng 4/2022, xuất khẩu cá tra bắt đầu hạ nhiệt dần dần trong các tháng tiếp theo. Xu hướng đó thể hiện ở cả 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã đạt đỉnh 113 triệu USD vào tháng 4, nhưng tới tháng 7 giảm xuống còn 44 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm từ 81 triệu USD (tháng 4) xuống chỉ còn 32 triệu USD trong tháng 7, mức thấp nhất từ đầu năm 2022.

Vũ Hạo

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.